Những chiếc lồng đèn lặng lẽ
Sau một hồi theo dõi nhiều chương trình khám phá Sài Gòn cuối tuần bằng xe đạp của một đơn vị du lịch, tôi quyết định chọn buổi tham quan đến những làng nghề thủ công.
Nếu hình ảnh hai làng nghề đầu tiên (lư đồng, dệt vải) trở nên sống động khi chúng tôi được gặp gỡ tận mắt, hỏi han những người giữ lửa thì làng nghề cuối cùng lại hiện lên một cách lặng lẽ.
Từ làng dệt vải thủ công, chúng tôi bắt đầu chặng "chặt hẻm" gian nan từ khúc Bảy Hiền, đi qua những con đường rộng thênh thang ở quận 11 để ghé vào khu giáo xứ Phú Bình.
Trái với bầu không khí sôi nổi, ngai ngái mùi thuốc bắc, mùi riêng từ những món ăn, hàng hóa ở khu phố lồng đèn người Hoa, khu giáo xứ Phú Bình lại hiện lên một cách lặng lẽ. Ở đó, vẫn có những con người thầm lặng đang ngồi tỉ mẩn làm từng chiếc lồng đèn giấy bóng kính cho dịp Tết Trung thu.
Theo chân người trưởng đoàn, chúng tôi đi bộ đến đầu đường Trịnh Đình Trọng để nghe và quan sát câu chuyện của người làm nghề.
Giữa hai cửa hàng tràn ngập màu sắc sặc sỡ của lồng đèn hoạt họa công nghiệp và những chiếc lồng đèn hình thú Trung Quốc chạy bằng pin, một người đàn ông và một người phụ nữ tỉ mẩn vót từng cây mảnh.
Họ đang thực hiện công đoạn đầu tiên quyết định nên hình hài của chiếc lồng đèn: tạo khung. Sau đó, những người làm sẽ định khung bằng những dây kẽm. Những chiếc khung bắt đầu hiện lên như khung ngôi sao, khung cá chép, khung tàu thủy,...
Phân đoạn kế tiếp cũng là lúc vui nhất, vì trẻ con có thể tham gia phụ: dán những miếng giấy bóng kiếng đỏ cho chiếc lồng đèn.
Những người thợ sau khi làm xong sẽ giao lại cho thợ khác vẽ. Do đó, mỗi chiếc lồng đèn với nét sơn riêng sẽ mang một linh hồn hoàn toàn khác biệt.
Trò chuyện với chúng tôi, một bạn ở đây chia sẻ: "Những năm trước con đường này rất nhiều hộ làm lồng đèn. Giờ chỉ còn lại ít hộ làm lồng đèn thủ công như thế này thôi. Những lồng đèn được làm hiện tại là gia công cho những đơn hàng lớn. Nếu cứ làm như kiểu xưa và bán toàn lồng đèn truyền thống sẽ không thu hút được khách".
Những lồng đèn thủ công vẫn ở đó, nép bóng lặng lẽ ở góc nhỏ, phía sau những chiếc lồng đèn phát nhạc.
Sở thích trẻ con và hoài niệm của người lớn
Những ngày còn bé, khi tôi còn háo hức với chiếc đèn lồng giấy với phần đầu nhân vật hoạt hình được gấp nếp để bung ra, bố mẹ đã chép miệng: "Phải là lồng đèn giấy bóng kiếng mới đẹp cơ!".
Tôi không trách trẻ con thời nay tại sao không đoái hoài đến chiếc lồng đèn giấy đỏ bóng kiếng, mà mải mê với những chiếc lồng đèn in những nhân vật hoạt hình hay lồng đèn phát tiếng nhạc. Bởi tôi từng là một đứa bé, đến giờ vẫn mang trong mình tâm hồn trẻ thơ, vẫn vui sướng trước một nhân vật buồn cười hay một nhân vật kỳ dị trong quyển truyện tranh hay một bộ phim hoạt họa.
Cũng như so với thế hệ chúng tôi chỉ thuộc lòng vài ca khúc như "Rước đèn tháng Tám", "Chiếc đèn ông sao", "Thằng Cuội", những đứa trẻ tiểu học giờ đã quen với nhạc K-pop và nhạc US-UK nhiều hơn cả nhạc thiếu nhi tiếng Việt.
Tôi nhớ có lần còn là sinh viên, khi tham gia hoạt động thanh niên của lớp, tôi từng thấy các bé tiểu học ngáp ngắn ngáp dài trước phần múa bài "Rước đèn tháng Tám" do các anh chị biểu diễn, dù trước đó các em vẫn chạy nhảy không ngừng, tích cực tham gia mọi trò chơi mà các anh chị dày công tổ chức.
Cho đến những phần trình diễn của các em học sinh tiểu học của buổi chiều hôm ấy, không khí bắt đầu náo nhiệt hơn hẳn khi một tốp các em nữ diện áo thun và váy hồng lắc lư, "cháy" theo điệu nhạc "Let's Kill This Love" của BlackPink.
Chúng tôi cũng nhiệt tình hò hét cổ vũ những đứa trẻ, trong lòng thoáng chút buồn vì hóa ra những người trẻ thực tình không hiểu gì về trẻ con thời nay. Hệt như cái nhìn của thế hệ trước về chiếc lồng đèn "mô đen" của chúng tôi thời xưa vậy.
Nhưng những chiếc đèn ông sao, tàu thủy kỳ công ở trên vẫn thu hút lứa thế hệ 8X và đầu 9X - những thế hệ lớn lên với những buổi rước đèn thắp nến. Tháng đầu tiên đi làm, tôi bất ngờ khi chị nhân sự đã mang chiếc lồng đèn ông sao, bày bên chiếc bánh trung thu. Tan làm, mọi người tắt hết đèn, chỉ còn ánh nến nhập nhòe từ chiếc đèn lồng bóng kiếng và chiếc bánh trung thu được cắt làm tám.
Hóa ra người lớn vẫn cần lồng đèn như một cách sống lại niềm vui thuở nhỏ, giữa cuộc sống bộn bề. Và người trẻ Gen Z cũng bắt đầu hứng thú với những sản phẩm thủ công, những món đồ mang tính di sản.
Niềm vui vẫn được truyền tải qua những hoạt động làm lồng đèn qua những buổi workshop, chuyến đi. Tuy nhiên điều ấy vẫn không đủ trước thực tại những làng nghề sắp mai một dần, và những niềm vui xưa cũ cũng có thể biến mất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận