Các bạn trẻ làm lồng đèn để bán gây quỹ và để các bạn tổ chức chương trình Trung thu, tặng lồng đèn cho các em nhỏ kém may mắn tại TP.HCM - Ảnh tư liệu |
Trung thu đã đến với hầu hết trẻ em, trong đó các trẻ nghèo, cơ nhỡ, khuyết tật, các bệnh nhi gắn liền cuộc sống nơi bệnh viện luôn được quan tâm chia sẻ đặc biệt. Nhưng có lẽ đó là chuyện ở thị thành, ở đồng bằng, miền xuôi.
Tôi nói vậy khi nghĩ đến các em ở vùng sâu vùng xa, vùng đồi núi hiểm trở xa xôi, nơi mà mọi sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Với các em, cái ăn cái mặc còn chưa đủ no đủ ấm, đường đến trường còn quá vất vả, gian nan… phải “” (như trong phóng sự ảnh trên Tuổi Trẻ ngày 20-9) thì liệu các em có được cái Tết Trung thu đầm ấm như bao trẻ khác?
Trẻ em dù ở đâu cũng phải được quan tâm, chăm sóc, được thụ hưởng quyền lợi, học tập, chơi đùa như nhau. Vậy mà với trẻ vùng núi chỉ chuyện học đã là quá vất vả, khó khăn và thua thiệt thì nói gì đến chuyện thụ hưởng, vui đùa.
Tại sao chúng ta chỉ biết “đền bù” cho các em bằng “điểm cộng", "điểm vùng” mà không nghĩ tới một hướng đi mới tích cực, bền vững hơn, tạo cho các em có điều kiện học tập tốt hơn.
Tôi nghĩ Nhà nước nên có chính sách đặc biệt với trẻ em vùng sâu, vùng núi, người dân tộc… nhất là về chuyện học tập.
Nên chăng thành lập các trường dân tộc nội trú với tiện nghi tương đối ngay từ bậc tiểu học để các em có điều kiện học tốt, không còn vất vả đường xa mưa gió, chia sẻ gánh nặng với gia đình các em vốn còn nhiều nỗi lo toan, nghèo khó.
Tất nhiên Nhà nước phải “bao cấp” như đã làm với các trường THCS PT dân tộc nội trú lâu nay.
Sẽ là hạnh phúc khi nghĩ đến hình ảnh những chiếc lồng đèn tung tăng lung linh sắc màu trên các lối mòn đồi núi đêm Trung thu.
Nhưng sẽ hạnh phúc hơn khi mai này mọi trẻ em Việt dù ở bất kỳ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này đều có cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận