Các em thiếu nhi rước đèn ông sao tại công viên văn hóa Đầm Sen - Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Tết Trung thu ở một đô thị cổ kính như Hà Nội thật lắm sắc màu. Trẻ con vào năm học mới ngồi chưa ấm chỗ đã náo nức chuẩn bị cho ngày Trung thu. Những đứa lớn khéo tay sẽ làm đèn ông sao. Đứa nhỏ hơn xâu hạt bưởi đã bóc vỏ lụa vào sợi dây thép dài chờ đến đêm rằm mang ra đốt nổ tí tách. Nhà dù nghèo đến mấy cũng cố sắm cho con trẻ chiếc đèn ông sao, đèn ông sư.
Khá giả hơn sẽ là đầu sư tử, đèn kéo quân, mặt nạ hề. Khá nữa là đèn hình tôm, hình con thiềm thừ. Kèm theo đó là bánh nướng, bánh dẻo. Những năm chiến tranh đói khổ, mua bánh nướng bánh dẻo mậu dịch theo tiêu chuẩn. Nhà tám người cũng như nhà một khẩu đều có hai chiếc bánh, một nướng một dẻo.
Người lớn sắp mâm cỗ rằm bằng quả bưởi, quả hồng, chuối và bánh. Con gái lớn khéo tay có thể bóc bưởi làm con chó xù bày lên mâm cỗ. Con gái nhỏ lên chợ Hàng Mã mua những con thiên nga bằng bông trắng muốt bày thêm vào.
Cũng có đứa mua những con giống nặn bằng bột nhuộm phẩm màu rất vui mắt. Đèn ông sao thắp lên mâm cỗ để ngoài sân ngắm trăng. Bao giờ trăng đến đúng đỉnh đầu mới được phá cỗ. Bánh nướng bánh dẻo cắt làm tám phần nhọn hoắt như mảnh sắt khêu ốc. Ăn xong, lũ trẻ kéo nhau ra đường rước đèn đến khuya mới về. Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm năm nào cũng có múa sư tử.
Đó là nói chuyện ngày xưa.
Trung thu bây giờ đã không còn không khí ấy nữa. Có cảm giác như nó còn không dành cho trẻ con. Phố Hàng Mã bày bán những chiếc đèn ông sao và đầu sư tử chế tạo rất cẩu thả, mặt nạ kinh dị nhập từ Trung Quốc về. Đồ chơi nhựa xanh đỏ chói mắt mà trông vẫn vô hồn.
Trung thu bây giờ không còn tiếng trống bỏi giòn tan đến từng ngõ hẻm. Không còn những chiếc tàu thủy bằng sắt tây sơn đỏ chạy dầu hỏa phát ra tiếng máy lạch tạch như thật. Bánh nướng bánh dẻo nhiều đến phát sợ. Nhiều nhà vứt ra thùng rác cả những hộp bánh ăn dở.
Giờ thì mỗi nhà chỉ có đến hai trẻ con là cùng. Cho chúng ra phố vào buổi tối phải có người đi kèm rất phiền phức. Mà có cho đi cũng chưa chắc chúng đã thích đi, mà khoái ngồi nhà ôm iPad hơn! Để chúng ở nhà cũng không đủ trẻ con để bày hẳn một mâm cỗ. Hoa quả bánh kẹo chỉ để lên bàn thờ như cúng rằm thông thường. Không khí Tết Trung thu trong từng ngôi nhà cũng dần biến mất.
Trung thu bây giờ hình như là tết của người lớn. Người đủ lớn mua bánh trái hoa quả mang biếu sếp. Người lớn hẳn chở hàng xe ôtô quà bánh như thế đi biếu các đối tác làm ăn. Người rất lớn trong nhà chất đầy bánh biếu mà lại không có nghĩa vụ phải biếu ai mới thật sự là phiền.
Một lãnh đạo vụ chức năng Bộ Công thương: Ngại thay cho người tặng bánh Việc tặng bánh trung thu rộ lên đã mấy năm nay. Trước, quý nhau thì tặng. Nhưng quen dần, người người đi tặng, thậm chí thành so bì, phải cố gắng tặng loại hàng hiệu, hàng độc, do khách sạn làm, thậm chí kèm rượu, rất đắt. Có người được tặng nhiều quá phải mất công đem đi tặng tiếp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng thấy phong trào này, và “nhập gia tùy tục” họ cũng đặt bánh trung thu đi tặng. Cách đây mấy ngày, cả giám đốc đối ngoại một tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động mạnh ở VN cũng đi đến từng phòng của bộ để tặng bánh trung thu. Đó có thể là tình cảm, nhưng cũng có thể rất phiền với họ. Bởi với một doanh nghiệp quy mô lớn và nổi tiếng như thế, khi lên danh sách, có thể số đem tặng phải đến cả trăm, thậm chí ngàn. Nhiều lúc có cảm giác ngại thay người tặng. Trung thu từ tết thiếu nhi đang thành tết người lớn, ngày càng phiền hà và tốn kém. Tốn không chỉ tiền bạc vì bánh trung thu thời giá bây giờ nhiều loại không hề rẻ. Còn tốn cả thời gian. Hàng vạn người đi mua bánh, đem quà đi, cũng phải hẹn, rồi có lúc phải chờ đợi. Người nhận tốn thời gian tiếp, từ chối cũng phiền, thành ra “có thái độ không thân thiện”. Nhận thì lại tốn thời gian đi tặng tiếp, bởi ăn bánh trung thu ngọt, ai dám ăn nhiều. Giờ chúng ta muốn bỏ cũng không đơn giản. Chẳng lẽ cơ quan đề thông báo “không nhận bánh trung thu”? Sẽ không dễ nhưng cần có định hướng để giảm “phong trào” tặng bánh. |
Người lớn vui hơn trẻ con Từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Trung thu là người dân quê tôi lại nô nức dựng rạp, tập trung các gia đình trong xóm để liên hoan ăn uống. Từ chiều 12-8 âm lịch, lác đác có xóm ăn trung thu. Sang chiều 13 là ăn rộ. Chiều 14 rộ nữa. Đến ngày chính rằm 15 thì chỉ còn những xóm do công việc bận mà chưa kịp tổ chức mới họp mặt trung thu. Người lớn dành hẳn một buổi chiều để nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn. Tầm 5g-6g chiều, trẻ đi học về là bắt đầu bưng mâm, ăn uống. Tết Trung thu là của trẻ, nhưng mới là tối 13 hoặc 14-8 âm lịch, chưa phải rằm, nên trẻ con cũng chỉ hiểu là có cuộc ăn uống của bố mẹ. Các cháu ăn uống rất nhanh, chỉ trong vòng nửa tiếng, ăn xong thì kéo nhau đi chơi. Còn lại là các ông bố, bà mẹ chén tạc chén thù rất vui. Cuộc nhậu kéo dài đến hơn 8g tối, sau đó chuyển sang karaoke. Loa đài được thuê lại của những nhà tổ chức đám cưới nên đã hát là cả xóm cùng nghe. Một số người khó tính thì bảo người lớn dựa vào Trung thu - tết của trẻ con - để ăn uống. Cũng có người nói đây là một công đôi việc, vừa là Trung thu cho các cháu, vừa là dịp bà con hàng xóm gặp nhau ăn uống một bữa cho vui. Bây giờ có điều kiện kinh tế, thi thoảng xóm làng liên hoan cho đầm ấm cũng không có gì đáng phàn nàn. Nhưng tôi nghĩ, nếu bà con tổ chức họp Trung thu vào tối 15 đúng rằm (nếu sớm hơn cũng phải là tối 14), có phá cỗ, múa lân, rước đèn thì Trung thu chắc sẽ đem lại niềm vui nhiều hơn cho các cháu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận