Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
TTO - Nhiều năm qua, bạn đọc luôn đồng hành cùng những người làm báo Tuổi Trẻ trong những chương trình hướng về biển đảo quê hương. Những khối nhà bền vững đã mọc lên uy nghi giữa đại dương, những chiếc xuồng CQ cơ động đã giúp những người lính thêm phương tiện bảo vệ đảo, hàng trăm tấn phân bón cùng cây xanh góp cho Trường Sa thêm xanh…
Và, trong rất nhiều công trình "Góp đá xây Trường Sa" do Tuổi Trẻ phát động, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã tô đậm lên dấu son đặc biệt giữa trùng khơi, do chính tay bạn đọc dựng nên...
5 năm tròn trôi qua, kể từ buổi lễ cắt băng khánh thành công trình trung tâm y tế từ đóng góp của hàng triệu tấm lòng bạn đọc, tháng 5-2022, chúng tôi đã có dịp trở lại thị trấn Trường Sa.
Còn nhớ, buổi chiều tháng 5-2017 ấy, trước lễ khánh thành trời bỗng đổ mưa. Ở đảo xa, mưa luôn là niềm vui lớn của cư dân trên đảo. Cơn mưa làm niềm vui như nhân lên cùng với lễ khánh thành công trình.
Dễ nhận thấy ý nghĩa đặc biệt của công trình khi ngoài sự có mặt của thượng tướng Trần Đơn - ủy viên Trung ương Đảng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, còn có rất nhiều bộ trưởng, tướng lĩnh ngành y dù đã nghỉ hưu vẫn ra với Trường Sa như nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Đạo, thiếu tướng Nguyễn Phục Quốc, thiếu tướng Nguyễn Văn Bính, những bác sĩ của Bệnh viện 175...
Không chỉ là khách của một nghi lễ khánh thành bình thường, vượt qua những hạn chế về sức khỏe, được ra đến tận Trường Sa và chứng kiến sự bề thế hiện đại của một công trình như Trung tâm Y tế thị trấn ngày nay là niềm vui không dễ có với những người suốt đời đã tận hiến cho nghề thầy thuốc.
Nếu những vị khách đặc biệt - các cựu tướng lĩnh ngành y xúc động vì mối quan tâm của đất liền dành cho đảo xa thì những cán bộ quân dân trên đảo lại đón nhận sự kiện này với một niềm vui không giấu giếm.
Bởi lâu nay dù được quan tâm chu đáo, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện đảo và ngư dân hoạt động trên ngư trường Trường Sa với một trung tâm y tế hiện đại như vậy vẫn mang đến sự an tâm cho quân dân trên đảo.
Phát biểu tại lễ khánh thành, nhà báo Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhấn mạnh công trình là sự hội tụ và lan tỏa của hàng vạn tấm lòng bạn đọc - rộng hơn chính là tấm lòng, là tình cảm của nhân dân cả nước dành cho quân dân huyện đảo Trường Sa.
Cũng không thể không nhắc tới công trình kiến trúc này của kiến trúc sư kỳ cựu Nguyễn Ngọc Dũng. Theo kiến trúc sư, công trình Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa có một tạo hình khác với những công trình dân sinh thông thường được xây dựng từ trước tới nay trên đảo.
Kiến trúc Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa là cụ thể hóa ý tưởng tạo nên biểu tượng khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
"Tôi muốn tạo ra hình tượng một đôi thuyền của người Việt xưa từng định cư tại đảo. Công trình cũng như đôi bàn tay che chắn cho bệnh nhân là quân dân trong một vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Phía trên, lõi cầu thang và hồ nước mái tạo nên hình tượng trống đồng Việt Nam.
Nhìn chung, đây không chỉ là một bệnh xá, mà còn là một pháo đài bằng đá chở che cho con người" - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ.
Chúng tôi trở lại thị trấn Trường Sa giữa một ngày nắng đẹp. Vừa đặt chân lên đảo, đi một quãng đường về trung tâm thị trấn, đã thấy trung tâm y tế bề thế với dáng vẻ hiện đại hiện ra.
Giữa trùng dương tít tắp mênh mông, một nơi khám chữa bệnh như vậy thật làm ấm lòng người lính, an lòng người dân.
Các bác sĩ đang hội chẩn trực tuyến cho một ca bệnh tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa
Đón chúng tôi, bác sĩ quân y Nguyễn Quang Huy - phụ trách Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (đã công tác tại Bệnh viện Quân y 175 bốn năm trước khi ra đảo) - cho biết từ khi trung tâm y tế được nâng cấp trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y tế trên đảo có điều kiện để chăm sóc sức khỏe cho quân dân trên đảo và ngư dân trên biển tốt hơn trước rất nhiều.
5 năm qua, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã khám và chữa bệnh cho hàng ngàn lượt ngư dân.
"Ngư dân được vào khám chữa bệnh và điều trị miễn phí. Cơm, thức ăn được chúng tôi chuẩn bị để phục vụ người bệnh. Ngoài ra, chúng tôi còn tặng thêm lương thực thực phẩm như mì gói, đồ hộp trong trường hợp ngư dân đi biển dài ngày, có thể bị thiếu thức ăn" - bác sĩ Huy nói.
Phẫu thuật, cấp cứu thành công cho bệnh nhân là lao động trên tàu cá bị viêm ruột thừa cấp ngày 18-4-2022 tại trung tâm
"Đáng nhớ nhất là ca cấp cứu ngư dân tàu cá Quảng Ngãi vào tháng 2-2022" - bác sĩ Huy nhớ lại.
"Khoảng 8h tối, bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng ý thức lơ mơ. Chưa kịp chụp chiếu tấm phim nào thì bệnh nhân đã suy hô hấp, nên chúng tôi vội cấp cứu và hồi sinh tim phổi. Nhận định bệnh nhân bị tràn khí màng phổi, y bác sĩ đã cấp cứu tràn khí màng phổi để bệnh nhân thở, tạm thời bảo vệ được tính mạng.
Khi tình trạng bệnh nhân ổn định hơn, chúng tôi hội chẩn ngay với Bệnh viện Quân y 175 và bệnh viện quyết định hỗ trợ chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng trực thăng vào ngày hôm sau. Ở đất liền, bệnh nhân được lọc máu, cho hỗ trợ ECMO (tim phổi nhân tạo)".
"Thời gian công tác của chúng tôi trên đảo không dài cũng không ngắn (mỗi cán bộ 12 tháng), nhưng tôi rất đỗi tự hào khi là một bác sĩ quân y và được đóng góp một phần công sức của bản thân cho y tế biển đảo, giúp cấp cứu nhiều ngư dân và bệnh nhân trên biển, trên đảo" - bác sĩ Huy tâm sự.
Cùng trên chuyến tàu ra Trường Sa lần này, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - không giấu được xúc động khi ra thăm lại "đứa con ở xa nhất" của Bệnh viện Quân y 175.
Nhìn lại cả một chặng đường dài, ông so sánh: "Muốn nói đến những thay đổi ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa thì phải quay lại lịch sử từ những ngày đầu, cách đây 31 năm. Khi đó, từ một tổ quân y chỉ có 3 người, bệnh xá thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men. Nay, nơi này đã là một trung tâm y tế hiện đại, tương đương một trung tâm y tế cấp quận huyện".
Các bác sĩ quân y khám bệnh cho chiến sĩ tại trung tâm
"Từ khi được nâng cấp từ năm 2017, trung tâm y tế trên đảo Trường Sa Lớn đã giải quyết được một cách cơ bản các ca cấp cứu nội - ngoại khoa. Điều này có được nhờ thay đổi tư duy về việc chuẩn bị cho đội ngũ y bác sĩ trước khi ra đảo, áp dụng hệ thống telemedicine và việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng trực thăng nên đã gần lại rất nhiều với đất liền" - thiếu tướng Sơn cho biết.
Trung tâm y tế hiện đã được đầu tư trang thiết bị về cận lâm sàng, các xét nghiệm căn bản cho chẩn đoán các bệnh lý thông thường như máy X-quang, máy siêu âm và trang thiết bị phục vụ phẫu thuật, có thể thực hiện các ca đại phẫu cho các chuyên ngành khác nhau.
Về nhân lực, trung tâm y tế có 10-12 người với 3-4 bác sĩ. Trước khi ra đảo công tác, tại Bệnh viện 175, các bác sĩ chuyên khoa đã được đào tạo lại để thành bác sĩ đa khoa trong một quá trình đi thăm khám bệnh ở các khoa phòng.
"Ra đảo công tác, mổ gì cũng phải làm được, từ bác sĩ mổ sọ, họ phải biết mổ thêm ruột thừa, mổ chân, mổ đẻ, mổ bụng, mổ ngực… để cấp cứu được nhiều ca bệnh nhất có thể. Nhờ có sự thay đổi này, chỉ cần 10-12 người là có thể mang lại sự thay đổi cho một trung tâm y tế" - thiếu tướng Sơn giải thích.
Bên cạnh đội ngũ ít người nhưng đa nhiệm, Bệnh viện 175 đã áp dụng hệ thống telemedicine để các y bác sĩ ở Bệnh viện 175 có thể hội chẩn cùng các y bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Từ khi có hệ thống telemedicine, chất lượng chăm sóc bệnh càng được thay đổi một cách căn bản hơn.
Cụ thể, muốn điều trị tốt thì phải chẩn đoán chính xác. Trong tình huống gặp ca bệnh phức tạp, trung tâm y tế trên đảo có thể truyền hình trực tuyến về Bệnh viện 175 và đội ngũ chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện sẽ cùng hội chẩn để chỉ định điều trị thích hợp cho bệnh nhân và giảm đến mức thấp nhất sai sót có thể xảy ra.
Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 đưa bệnh nhân từ Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa về đất liền cứu chữa
Hệ thống này cũng kiểm soát được toàn bộ quá trình điều trị, phẫu thuật chi tiết đến từng đường kim mũi chỉ. Phẫu thuật viên cũng tự tin rằng sau lưng mình có một đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện 175.
"Trước đây, với các ca bệnh nặng, quá khả năng điều trị, bệnh nhân chỉ có thể chờ tàu hàng, tàu trực, tàu cá chở về mà điều kiện thời tiết luôn không tốt. Hơn nữa, nhiều ca muốn chuyển về đất liền phải có trang thiết bị kèm theo như máy thở.
Để "cướp" được thời gian vàng trong điều trị, tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân, trung tâm y tế đã có thể vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay trực thăng" - thiếu tướng Sơn nhìn nhận.
5 năm đã đi qua, ai ra Trường Sa cũng hiểu rằng sự có mặt của một trung tâm y tế hiện đại như hôm nay luôn mang đến sự an tâm về cuộc sống ở đảo xa, vốn còn nhiều khoảng cách với đất liền, không đơn thuần là khoảng cách địa lý.
Chủ quyền biển đảo vô cùng thiêng liêng và vì thế không một người dân Việt Nam nào không hướng về Trường Sa, hướng về quân dân huyện đảo.
Hôm qua, hôm nay và mai sau, Trường Sa mãi là điểm tựa tin yêu của đất liền. Vì thế, mỗi công trình thiết thực cho Trường Sa như trung tâm y tế giữa trùng khơi này, chính là vun bồi cho điểm tựa ấy ngày càng bền vững.
Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, chụp hình với lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Quân y 175 và quân y tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa
Tin cùng chuyên mục
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận