08/02/2015 10:02 GMT+7

​Trung tâm hành chính TP.HCM và thông điệp cần truyền tải

TÔ VĂN TRƯỜNG
TÔ VĂN TRƯỜNG

TT - Các đồ án tham dự cuộc thi “Quy hoạch tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu trung tâm hành chính TP” vừa được trưng bày tại nhà triển lãm 92 Lê Thánh Tôn (Q.1) để lấy ý kiến.

Phối cảnh một đồ án tham gia cuộc thi
Phối cảnh một đồ án tham gia cuộc thi

Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của TS Tô Văn Trường:

Tòa nhà UBND TP.HCM là một công trình mang tính biểu tượng của TP, do đó tất cả hành động đề xuất cho công trình này đều được xã hội nhìn nhận như hành động kiểu mẫu và mang tính dẫn dắt, hướng dẫn cho việc bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị cũng như phát triển TP. Bởi thế, việc chọn lựa các giải pháp đề xuất của các phương án dự thi phải thật thận trọng, và cần xem việc lựa chọn này như một thông điệp mà những người có thẩm quyền muốn truyền tải.

Công trình mới phải giải quyết bài toán khó, không chỉ đơn thuần là tạo ra một nơi làm việc cho các sở ban ngành và cơ quan hành chính, mà còn thể hiện những vấn đề hiện tại của TP về: bảo tồn công trình di sản; bảo tồn không gian kiến trúc đô thị; bảo tồn biểu tượng; tuân thủ các quy định quy hoạch đô thị về chiều cao, khoảng lùi; đề xuất những hành động mang tính kiểu mẫu cho việc bảo tồn, quy hoạch và phát triển đô thị... 

Lưu giữ các di sản kiến trúc và đô thị đặc biệt

Cuộc thi không có giải nhất

Ngày 7-2, ông Nguyễn Thanh Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, cho biết hiện hội đồng giám khảo chấm xong 11 đồ án dự thi thiết kế trung tâm hành chính TP. Kết quả có một giải nhì, hai giải ba, một giải khuyến khích (không có giải nhất).

Hiện Sở Quy hoạch kiến trúc đã trình UBND TP kết quả trên. UBND TP và cơ quan chức năng sẽ quyết định việc lựa chọn phương án thiết kế để xây dựng trung tâm hành chính.

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố sau khi các cơ quan chức năng có quyết định cuối cùng.

D.N.HÀ

Liên quan tới khu đất dành cho cuộc thi, đó là không gian trục đường Nguyễn Huệ và hai công trình kiến trúc là trụ sở UBND TP và khối nhà số 159-161 Lý Tự Trọng. Phương án đề xuất phải lưu giữ được các di sản kiến trúc và đô thị đặc biệt này, cũng như tính chân thật lịch sử và sự toàn vẹn của nó.

Không kể một số đồ án đề xuất đập bỏ tòa nhà 159-161 Lý Tự Trọng là vi phạm nguyên tắc bảo tồn, những đề xuất dỡ nóc tòa nhà này hay di dời công trình đi vài chục mét đều là hành động cần xem xét lại vì vi phạm tính chân thật lịch sử và sự toàn vẹn của di sản.

Đồng thời, nếu lựa chọn các giải pháp này, chúng ta đã tạo ra một ví dụ kiểu mẫu nguy hiểm và một nguy cơ to lớn cho những di sản ít ỏi còn lại của TP. Rồi đây người ta sẽ viện dẫn vào ví dụ lý tưởng này để lý giải cho những hành động đập phá hoặc di dời các di sản kiến trúc và đô thị còn sót lại.

Đối với không gian đô thị lịch sử, thì việc bảo tồn tinh thần quy hoạch đô thị thời Pháp của trục đường Nguyễn Huệ và tính uy nghi hoành tráng của tòa nhà UBND TP là một trong những việc khó nhất.

Giải pháp được đề xuất cần giải quyết những “hạt sạn” rất to hiện nay, đó là sự lôm nhôm của các tòa nhà sau lưng khối nhà UBND TP và càng phải tránh tạo thêm những hình khối nặng nề xung quanh.

Một số đồ án chọn cách xử lý hình khối nằm ngang, tạo ra một “phông màn” để che lấp các tòa nhà lởm chởm phía sau, làm nổi rõ và tôn vinh hình ảnh của tòa nhà UBND TP với đường hình bao rõ nét.

Trong khi đó, một số đồ án khác chọn thủ pháp hình khối thẳng đứng, khi đó những khối nhà theo chiều đứng trong tương lai sẽ càng làm rối không gian đô thị phía sau của công trình cần bảo tồn.

Bên cạnh đó, sự vươn cao của công trình xây dựng mới càng làm khối nhà UBND TP trở nên nhỏ bé và bị đè bẹp (như bài học đắt giá cho việc xây dựng nhà cao tầng mà chúng ta đã vấp phải qua trường hợp khách sạn Caravelle, mà chiều cao của công trình này đã “nuốt chửng” tòa nhà Nhà hát TP bên cạnh).

Bên cạnh đó, việc xây dựng tòa nhà trung tâm hành chính TP.HCM còn phải bảo đảm việc bảo tồn giá trị biểu tượng của công trình này, mà kéo theo đó là tính duy nhất, tính liên tục và trường tồn của biểu tượng.

Giải pháp đề xuất không thể tạo ra biểu tượng khác, thay thế cho biểu tượng cũ (vì sẽ vi phạm tính duy nhất và liên tục, làm cho tòa nhà UBND TP không còn là biểu tượng nữa).

Một số đồ án có hình khối ấn tượng, tuy nhiên lại làm lu mờ hay thậm chí là nhấn chìm, đè nặng lên tòa nhà di sản phía trước cũng là vi phạm bảo tồn biểu tượng.

Chú ý tới không gian xanh

Công trình tòa nhà trung tâm hành chính còn là sản phẩm của đổi mới xã hội “một cửa, một dấu” nên phải đảm bảo công năng, đáp ứng nhu cầu làm việc của 2.000 con người ở các sở, ban, ngành.

Tuy nhiên, việc tập trung các cơ quan vào một khối nhà sẽ dẫn đến việc tắc nghẽn di chuyển trong tòa nhà mà chúng ta đã gặp ở công trình tòa nhà hành chính trung tâm tỉnh Bình Dương (mất khá nhiều thời gian chờ đợi tại cửa ra vào mỗi khi đi vào tòa nhà này).

Một số đồ án đã giải quyết vấn đề này bằng chia nhỏ công năng thành các khối nhà nhỏ phía sau, đồng thời phân tán lối tiếp cận vào công trình.

Ngoài ra, việc xây dựng công trình mới cũng phải giải quyết bài toán về không gian xanh, thể hiện xu hướng mới trong kiến trúc hướng tới không gian xanh, sinh thái, thể hiện sự gần gũi, thân thiện, hướng tới một xã hội vì dân.

TÔ VĂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp