Trung tâm hành chính Đà Nẵng - Ảnh: HỮU KHÁ |
Kiến trúc sư Tô Văn Hùng nói: “Dư luận đang rộ lên câu chuyện di dời trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, theo tôi đây là một việc rất quan trọng, có tầm chiến lược nên phải được đề cập một cách khoa học, tránh gây hoang mang cho người dân".
Theo kiến trúc sư Hùng, công trình có một số khiếm khuyết cần được khắc phục. Việc nghĩ đến một trung tâm hành chính mới cho TP Đà Nẵng trong tương lai là đều cần tính tới khi đô thị sẽ tiếp tục “phình to” cả về quy mô đất đai cũng như dân số.
Cám giác “khó chịu” vì quá mới
Theo tiến sĩ Tô Văn Hùng, nếu câu chuyện này thông tin không đầy đủ, có tính khoa học sẽ làm cho tâm lý người dân bị xáo trộn lớn.
Dân là người đóng thuế để có hơn 2.000 tỉ đồng xây tòa nhà nên trước thông tin “di dời”, đương dân sẽ đặt câu hỏi “tại sao tòa nhà mới xây đưa vào sử dụng 2 năm lại di dời, quá lãng phí”.
Kiến trúc sư Hùng cho rằng giải pháp thiết kế công trình trung tâm hành chính mang tính biểu cảm cao về mặt thẩm mỹ nhưng về mặt kỹ thuật, việc sử dụng vỏ bao che có diện tích lớn bằng chất liệu kính chưa thật sự phù hợp với địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có số giờ nắng bình hơn 2000 giờ/năm như Đà Nẵng.
Đặc biệt đối với các tầng trên cao của khối tháp, do thu nhỏ dần nên góc chiếu lớn tạo khả năng hấp thu bức xạ mặt trời cao.
Điều đáng quan tâm nữa chính là hình dạng mặt bằng tòa tháp được thiết kế với dạng mặt bằng hình tròn, khá bất lợi về mặt tiện nghi cho trụ sở làm việc, khó khăn cho việc phân chia và bố trí không gian.
Kiến trúc sư Hùng nói: “Về ý kiến cho rằng công trình không đảm bảo đủ oxy, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ công chức làm việc trong tòa nhà, tôi có thể khẳng định là không chính xác.
Ngay sau khi tòa nhà đi vào hoạt động, trước các thông tin như vậy, thành phố đã mời chuyên gia đến từ trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khảo sát, đo đạc và kiểm tra tất cả các thông số liên quan đến điều kiện làm việc cho từng tầng, từng phòng.
Theo kết quả của báo cáo này, các tầng 30, 31 có nhiệt độ không ổn định do bức xạ lớn, một số vị trí có diện tích cửa cấp gió tươi giải nhiệt nhỏ hay việc bố trí các cửa cấp gió chưa hợp lý dẫn đến nhiệt độ bên trong khá cao, đặc biệt là các vị trí tại hướng Tây tòa nhà hay một số vị trí có dàn nóng đặt trong nhà”.
Ông Hùng cho biết: “Với môi trường làm việc trước đây, mỗi cơ quan làm việc trong mỗi trụ sở riêng biệt, cán bộ công chức có thể thường xuyên được tiếp xúc tự nhiên, ra vào cơ quan thoải mái. Khi chuyển sang một môi trường làm việc khép kín thì cảm giác sẽ khác hơn, nhất là trong thời gian đầu, mùi từ vật liệu xây dựng, mùi từ trang thiết bị nội thất cũng tạo nên một cảm giác khó chịu, cảm giác này cũng giống như khi chúng ta khi mới ở một ngôi nhà mới xây".
Xử lý bề mặt vỏ bao che
Để xử lý các khiếm khuyết, theo ông Hùng, giải pháp trước mắt đối với tòa nhà là cần áp dụng công nghệ xử lý bề mặt vỏ bao che phía Tây nhằm giảm thiểu tối đa bức xạ mặt trời.
Để đảm bảo cấp gió tốt, cần mở rộng thêm phần diện tích cửa lấy gió tự nhiên, lắp đặt thêm quạt hút gió các tầng trên cao và các cửa lấy gió tươi cho các các phòng họp khi có mật độ sử dụng cao.
Đối với một số tầng trên cao, có thể chuyển đổi công năng thành các kho lưu trữ.
Ông Hùng cho biết liên quan đến việc ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm do lưu lượng người làm việc tại tòa trung tâm hành chính quá lớn, cần phải nghiên cứu tổ chức lại lưu thông trên các tuyến đường phố tại khu vực, đảm bảo phân bố hợp lý về các hướng tiếp cận và giải tỏa phương tiện giao thông.
Sắp đến, dự án tổ chức nút giao thông khác mức tại phía Tây cầu sông Hàn khởi công, đồng thời bổ sung dự án giao thông vượt sông Hàn được tổ chức thông qua cuộc thi tuyển quốc tế thì sẽ đảm bảo khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc hiện nay.
Ông Hùng nói: “về lâu dài, việc nghĩ đến một trung tâm hành chính mới cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai là đều cần phải tính khi đô thị sẽ tiếp tục phình to cả về quy mô đất đai cũng như quy mô về dân số, gấp 2-3 lần hiện nay.
Theo tôi được biết, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang tiếp túc nghiên cứu nhằm đánh giá toàn diện hiệu quả của các mô hình trung tâm hành chính tập trung đã triển khai tại các tỉnh thành, từ đó mới có thể khẳng định mô hình nào hiệu quả, mô hình nào là phù hợp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận