26/09/2022 11:02 GMT+7

Trung tâm Anh ngữ gặp khó: Có phải hoàn toàn do COVID-19?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Theo chuyên gia giáo dục độc lập, sau dịch COVID-19, xu hướng học tập của Việt Nam và thế giới đang thay đổi nhưng dường như các trung tâm Anh ngữ nhiều nơi ở Việt Nam không theo kịp làn sóng thay đổi này.

Trung tâm Anh ngữ gặp khó: Có phải hoàn toàn do COVID-19? - Ảnh 1.

Cơ sở Apax Leaders Gia Hòa (TP Thủ Đức) bị một số phụ huynh phản ánh “bốc hơi”, còn đại diện Apax Leaders cho rằng công ty đang tái cấu trúc lại mặt bằng. Ảnh chụp chiều ngày 23-9 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Vụ lùm xùm gần đây xung quanh Apax Leaders - một tên tuổi mà chỉ cách đây 5 năm từng khiến nhiều người trầm trồ vì tốc độ mở rộng hệ thống cơ sở một cách "thần tốc" - đã phơi bày nhiều thách thức mà các trung tâm Anh ngữ đang đối mặt thời hậu COVID-19.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc của một tập đoàn giáo dục lớn tại Việt Nam có khai thác mảng dạy tiếng Anh cho rằng "đòn giáng" mạnh nhất của dịch COVID-19 vào những đơn vị kinh doanh ngoại ngữ chính là tiền thuê mặt bằng "khổng lồ". 

Tùy theo diện tích sàn, mỗi cơ sở thường tốn khoảng vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để duy trì mỗi tháng. Nếu như với giáo viên và nhân viên, trung tâm sẽ ở thế chủ động giảm lương bổng, thì không phải chủ mặt bằng nào cũng thông cảm cho công ty giảm tiền thuê.

Gánh nặng mặt bằng tiền tỉ

Doanh thu gần như không có trong giai đoạn đóng cửa vì dịch, tiền mặt bằng tháng này lại chồng lên tháng sau, đến khi được hoạt động trở lại, không ít trung tâm ngoại ngữ nợ đến tiền tỉ cho mỗi cơ sở chỉ tính riêng tiền mặt bằng. Phó tổng giám đốc này cho biết đến nay các trung tâm Anh ngữ thuộc tập đoàn buộc lòng phải cắt giảm từ 40% - 60% cơ sở tùy từng tỉnh thành để nhẹ bớt gánh nặng mặt bằng.

"Ở mỗi địa phương, chúng tôi sẽ chỉ giữ lại những cơ sở có đông học viên và làm ra tiền. Những cơ sở lỗ chúng tôi sẽ đóng cửa chứ không cố ngồi chờ cho tới khi số học viên lấp đầy trong khi số lượng ghi danh không có biến động" - vị này nói.

Lãnh đạo một phòng chuyên môn của Sở GĐ-ĐT TP.HCM có tham gia quản lý các trung tâm ngoại ngữ cho biết một sai phạm phổ biến của các trung tâm thường thấy sau dịch COVID-19 là việc thay đổi địa điểm. Nhiều đơn vị đã trả mặt bằng tiền thuê cao để chuyển sang nơi rẻ hơn, chuyển từ địa điểm có sức chứa lớn sang những nơi vừa phải, tuy nhiên chưa báo cáo về những sự thay đổi này. 

Hoặc cũng có trường hợp chia sẻ mặt bằng, giữ lại một phần để giảng dạy, phần còn lại chuyển sang mục đích khác không phải cho giáo dục, điều này cũng không đúng quy định. Một số trường hợp vì trung tâm chưa thông tin rõ về thay đổi mặt bằng đến người học đã khiến nhiều phụ huynh lo ngại.

Chẳng hạn trường hợp của Apax Leaders. Sau vụ việc xảy ra tại cơ sở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nhiều độc giả đã phản ảnh về những trường hợp "bốc hơi" tương tự xảy ra ở TP.HCM như Apax Leaders Gia Hòa (TP Thủ Đức) hay Apax Leaders Phan Văn Hớn (quận 12)... 

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Apax Leaders khẳng định các cơ sở này không "bốc hơi", dù vậy hiện trung tâm đang tái cấu trúc mặt bằng, tìm địa điểm thích hợp hơn để tối ưu hóa chi phí. Các cơ sở mới sẽ trở lại vận hành ổn định từ giữa tháng 10-2022 trở đi. Trong thời gian này, trung tâm cho biết sẽ có các hình thức học tập phù hợp để đảm bảo việc học của học sinh.

Khan hiếm giáo viên

Thường xuyên theo dõi các nhóm tuyển dụng giáo viên nước ngoài tại Việt Nam, ông Rafael - hiện giảng dạy tại hệ thống Anh ngữ VUS (TP.HCM) - chia sẻ trong hơn 5 năm ở Việt Nam, chưa bao giờ ông nhận thấy có nhiều mẩu tin, bài viết đăng tuyển mỗi ngày như hiện nay. Nhiều cộng đồng tuyển dụng tại TP.HCM lên đến 30.000 người, mỗi ngày hơn 10 đơn vị đăng tin, có ngày đến 20 bài tuyển, phủ rộng từ bậc mầm non đến phổ thông.

"Điều khiến tôi băn khoăn là do thiếu nguồn cung, một số trung tâm có tình trạng hạ chuẩn với các ứng viên. Ở một vài nơi, những giáo viên có bằng cấp, giấy tờ hết hạn hoặc không thật sự phù hợp cũng có thể được châm chước. Thậm chí một số trung tâm nhỏ vẫn có thể tuyển những người nước ngoài hoàn toàn không có bằng cấp, chỉ đơn thuần nói được tiếng Anh, nhất là cho các lớp nhỏ như mầm non hay tiểu học" - ông Rafael nói.

Ông Nguyễn Quốc Toàn - tổng giám đốc tổ chức giáo dục Equest - cho biết bài toán giáo viên nước ngoài cũng là nỗi đau đầu của công ty. Ông phân tích trong 2 năm dịch COVID-19, nhiều giáo viên nước ngoài đã trở về nước của họ. Sau dịch, số lượng người học dần hồi phục, nhu cầu giáo viên tăng, nhưng theo ông Toàn, nút thắt hiện nằm ở một số rào cản về thủ tục.

Việc xin được giấy phép lao động cho các giáo viên nước ngoài hiện rất "trần ai". Vì vậy, nhiều trung tâm không thể tuyển đủ nhân sự nước ngoài quay trở lại làm việc sau dịch. "Các cơ quan nhà nước cần linh hoạt và tạo điều kiện nhanh chóng về thủ tục mới sớm giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên" - ông Toàn nhận định.

P. - hiện đang công tác tại một trường tư thục ở quận 7, từng giữ vị trí giám sát chăm sóc khách hàng tại ILA - cho rằng việc thiếu giáo viên sẽ là câu chuyện quản lý hệ thống. Với một số trung tâm mới mở trước dịch, công tác nhân sự còn nhiều vấn đề, chưa thật sự tạo được một hệ thống chắc chắn từ việc tuyển dụng đến đào tạo. Vì vậy sau dịch, họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi tuyển mới giáo viên hơn. 

Ngược lại, với một số trung tâm có tuổi đời lâu hơn, hệ thống quản trị con người đã đi vào ổn định, khả năng chống chịu và phục hồi của họ cũng sẽ nhanh hơn dù đương nhiên vẫn gặp những thách thức chung.

Không theo kịp xu thế?

IMG_3719 AlexPax 1(Read-Only)

Giờ tan lớp ở một trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM - Ảnh: N.HUY

ThS Trương Kiều Trinh (Đại học Sheffield Hallam, Anh) cho rằng trước đây một số đơn vị đầu tư vào các trung tâm ngoại ngữ tại Việt Nam thiên về tư duy kinh tế hơn là giáo dục. Họ thường muốn xây dựng mạng lưới cơ sở thật nhanh, dồn tiền cho marketing và sale để "chốt" được số học viên tối ưu. Phần lớn doanh thu sẽ lại được dùng để mở rộng các cơ sở mới. Dẫu vậy, phát triển quá mau sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về nhân sự, khả năng cung cấp dịch vụ và quản lý tài chính.

"Đến một lúc khi đơn vị bán sản phẩm, ở đây là các khóa học, với số lượng quá nhiều, vượt khả năng đảm bảo chất lượng sản phẩm, có thể sẽ dẫn đến nguy cơ cho sự sụp đổ. Nhất là các sản phẩm mới luôn cần sự cẩn trọng thử nghiệm từng bước trên quy mô vừa phải rồi mới từ từ mở rộng về sale. Kinh doanh giáo dục có đặc thù riêng, cần sự bền vững và chắc chắn chứ không thể giàu ngày một ngày hai" - bà Trinh nói.

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng sau dịch COVID-19, xu hướng học tập của Việt Nam và thế giới đang thay đổi nhưng dường như các trung tâm Anh ngữ nhiều nơi ở Việt Nam không theo kịp làn sóng thay đổi này. Những mô hình gắn với các lớp học truyền thống, chú trọng thuê phòng ốc thật rộng và "chờ đợi đón khách như siêu thị" đã không còn phù hợp.

Sau mùa dịch, mô hình này càng cho thấy sự cồng kềnh, ngốn quá nhiều chi phí nhưng hiệu quả - nhất là về mặt doanh thu - chưa chắc như ý. "Nhiều công ty không dự đoán đúng về lượng cầu trên thị trường học tập truyền thống, dẫn đến sự chênh lệch giữa đầu tư cơ sở vật chất và khả năng thu hút được lượng học viên sau dịch" - ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, học sinh sinh viên ngày nay có khả năng lên online rất lớn. Một số lượng không nhỏ các bạn trẻ sau dịch đã có những kỹ năng học online và từ bỏ dần những lớp học truyền thống. Thay vì tốn một tiếng di chuyển cả đi lẫn về từ nhà đến trung tâm, khoảng thời gian ấy đã đủ cho một buổi học online.

Tại Việt Nam, nhiều hệ thống Anh ngữ lớn như British Council, Apollo English, IvyPrep... đều đã và đang triển khai nhiều khóa học trực tuyến cho học viên nhiều độ tuổi từ mầm non, tiểu học cho đến cả người đi làm. Thậm chí đại diện một hệ thống tiếng Anh trong số trên khẳng định 70% doanh thu của họ hiện giờ là từ các khóa học online.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo về tuyển sinh của hệ thống Anh văn Hội Việt - Mỹ (VUS), hiện tại sự cạnh tranh của các trung tâm Anh ngữ không chỉ đến từ lẫn nhau mà còn với cả những ứng dụng học tiếng Anh khi xu hướng học qua app đang phát triển mạnh. Vì thế, vị này cũng cho rằng việc kết hợp cả trực tiếp lẫn trực tuyến là bắt buộc.

Tùy vào thời điểm, tỉ lệ phần trăm giữa các lớp offline và online sẽ được xác định khác nhau, nhưng theo ông, chắc chắn không thể giữ chỉ một cách dạy offline như lâu nay.

Không hiếm những vụ "xù" tiền

Tháng 10-2021, nhiều phụ huynh phản ảnh đến báo chí về việc thu tiền học phí không đúng quy định của Trung tâm Pixar (TP.HCM). Nhiều người đã nộp học phí cho Pixar không lấy lại được tiền dù đã đối thoại nhiều lần với trung tâm. Tháng 3-2022, nhiều phụ huynh làm đơn kiện trung tâm lên TAND quận 12 và đã được thụ lý một số trường hợp.

Cũng vào cuối năm 2021, nhiều cơ sở của Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (SAS) tại một số tỉnh thành đóng cửa đột ngột. Ở TP.HCM, hàng ngàn học viên đăng ký học tại các trung tâm này đã đóng học phí cả chục triệu đồng, trong thời gian chờ học thì trung tâm đóng cửa. Nhiều học viên, phụ huynh và cả giáo viên đã đến công an các địa phương để tố cáo.

Trung tâm Apax Leaders Buôn Ma Thuột bị tạm dừng chiêu sinh để khắc phục sự cố Trung tâm Apax Leaders Buôn Ma Thuột bị tạm dừng chiêu sinh để khắc phục sự cố

TTO - Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết đã kiểm tra ban đầu vụ trung tâm Anh ngữ "bốc hơi", và yêu cầu Apax Leaders Buôn Ma Thuột phải tạm dừng tuyển sinh, khắc phục sự cố.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp