Tàu ngầm Jiaolong của Trung Quốc - Ảnh: china.org.cn |
Dự án chủ yếu sẽ dùng cho mục đích dân sự, nhưng chúng tôi không loại bỏ khả năng trang bị một số chức năng quân sự |
Chuyên gia Xu Liping chuyên về khu vực Đông Nam Á tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc |
Bloomberg cho hay ngoài ý đồ triển khai các kế hoạch dò tìm, khai thác tài nguyên khoáng sản, trạm nghiên cứu quy mô lớn có người làm việc này còn được sử dụng cho các mục đích quân sự bất cứ lúc nào.
Theo bản thuyết minh dự án của Bộ Khoa học Trung Quốc, trạm nghiên cứu được ví như “trạm vũ trụ” giữa đại dương dự kiến được xây dựng ở độ sâu 3.000m.
Đây là dự án nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế năm năm của Trung Quốc vừa công bố tháng 3 năm nay. Nó cũng là dự án xếp thứ hai trong danh mục 100 dự án khoa học công nghệ hàng đầu được ưu tiên phát triển.
Gần đây, giới cầm quyền Trung Quốc đã kiểm tra tiến độ thực hiện dự án và quyết định sẽ đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa.
Giới quan sát nhận định động thái này một lần nữa thể hiện mưu đồ của Bắc Kinh trong việc biến Biển Đông thành "ao nhà"của họ.
Dân sự hay quân sự?
Ông Bryan Clark, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phân tích đánh giá chiến lược và ngân sách quốc phòng có trụ sở tại Washington, nhận định:
“Cho tới nay việc xây dựng một trạm có người ở lâu dài tại một độ sâu như vậy chưa từng thực hiện, nhưng điều đó chắc chắn làm được. Các tàu ngầm có người đã xuống được những độ sâu đó trong gần 50 năm qua. Thách thức ở đây là có thể vận hành trạm liên tục trong nhiều tháng”.
Tuy nhiên, tới nay Trung Quốc vẫn chưa công khai các thông tin cụ thể liên quan tới dự án, như khung thời gian thực hiện cụ thể, các bản thiết kế cũng như kinh phí ước tính hay vị trí xây dựng trạm.
Dù vậy, người ta không ngờ vực về tính khả thi của dự án trong bối cảnh Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách thôn tính Biển Đông, một trong những tuyến thương mại hàng hải sầm uất nhất thế giới.
Tháng trước, tại một hội nghị khoa học quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Dưới lòng biển sâu đang chứa đựng rất nhiều tài nguyên chưa được phát hiện và chưa được khai thác. Để có thể thu hoạch những tài nguyên này chúng ta cần phải kiểm soát được các công nghệ chủ chốt có thể tiếp cận những vùng biển sâu, phát hiện và khai thác những vùng biển đó”.
Mặc dù tham vọng khai thác tài nguyên thiên nhiên là động lực không nhỏ thúc đẩy dự án xây dựng trạm nghiên cứu khổng lồ dưới đáy biển, tuy nhiên phần trình bày dự án của Bộ Khoa học Trung Quốc còn lưu ý công trình này di chuyển được và có thể sử dụng cho các mục đích quân sự.
Kinh phí “có thể làm nhụt chí”
Theo thông tin trên trang web của Bộ Khoa học Trung Quốc, tiên phong trong kế hoạch xây dựng trạm nghiên cứu dưới đáy biển là Tổng công ty Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Dự án này đã được Trung Quốc rậm rịch chuẩn bị trong cả thập kỷ và là điểm nhấn trong tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ toàn cầu của Trung Quốc vào năm 2030.
Hoàn thành được nó, Trung Quốc hi vọng sẽ thu hẹp khoảng cách về năng lực chinh phục thám hiểm đáy biển giữa họ với các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Nga.
Năm 2012, Trung Quốc đã ghi được thêm một thành tích trong lĩnh vực này khi tàu ngầm Jiaolong của họ đã lập kỷ lục thế giới vì lặn được tới độ sâu 7km.
Bản thuyết minh dự án của Bộ Khoa học Trung Quốc không đưa ra bất cứ ước tính chi phí nào, tuy nhiên chuyên gia Bryan Clark, cựu cố vấn đặc biệt cho tư lệnh các hoạt động hải quân Mỹ, cho rằng chi phí cho dự án đó có thể “làm nhụt chí” giới cầm quyền.
Chưa kể với kích thước dễ bị phát hiện, dự án này sẽ không hấp dẫn giới quân sự bằng một chiếc tàu ngầm hay một phương tiện lặn không người lái.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, năm 2015 nước này đã chi 216 tỉ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển của cả nhà nước và tư nhân. Trong khi đó dự kiến tổng chi tiêu quốc phòng năm nay của Trung Quốc sẽ khoảng 146 tỉ USD.
Bên cạnh vấn đề ngân sách, chuyên gia Bryan Clark còn chỉ ra một nguy cơ đáng ngại khác đe dọa an nguy của một trạm nghiên cứu dưới biển kiểu này: “Với những hệ thống dưới đáy biển như vậy, đương nhiên cần có hệ thống cảm ứng và liên lạc.
Trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô từng tốn nhiều công sức trong việc lùng tìm các tuyến cáp liên lạc và thiết bị cảm ứng của nhau để phá hoại trong thời bình và tấn công trong thời chiến. Chúng ta có thể hiểu rằng những việc tương tự có thể tiếp diễn trong hiện tại và cả tương lai”.
Không thống nhất Hiện vẫn chưa có sự thống nhất khi đánh giá tiềm năng khoáng sản tại Biển Đông. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ cho rằng khu vực này có trữ lượng khoảng 11 tỉ thùng dầu và khoảng 5.400 tỉ m3 khí gas tự nhiên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc ước tính trữ lượng đó cao hơn nhiều. Năm 2012, chủ tịch Công ty Cnooc khi đó cho rằng Biển Đông có trữ lượng khoảng 125 tỉ thùng dầu và hơn 14.000 tỉ m3 khí gas tự nhiên. Trong khi hầu hết các khu vực có trữ lượng dầu mỏ chưa khai thác đều nằm tại những vùng bờ biển không tranh chấp thì các khu vực biển mà Trung Quốc đang muốn thôn tính lại có những khó khăn về địa chất và công nghệ, chưa kể độ sâu mực nước và tần suất thường xuyên của các cơn bão. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận