Tỉ lệ kết hôn ở Trung Quốc đã giảm liên tục từ năm 2013 - Ảnh: GETTY
Chính phủ Trung Quốc có lý do để lo lắng khi ngày càng nhiều người trẻ không muốn kết hôn hoặc kết hôn rất muộn. Ngược lại, người trẻ cũng có vô số lý do để thờ ơ với hôn nhân. Ngại đẻ đang là vấn đề lớn ở quốc gia 1,4 tỉ dân này.
Dư thừa 30 triệu nam giới
Joanne Su không còn cảm thấy lo lắng cho bản thân khi đã bước sang tuổi 31. Cô làm việc cho một công ty thương mại ở Quảng Châu, có thu nhập khá và dành thời gian cuối tuần đi chơi với bạn bè. Nhưng đối với cha mẹ của Su, cuộc sống của cô rất không ổn: cô độc thân.
"Hồi đó, tôi cảm thấy tuổi 30 là ngưỡng quan trọng. Khi nó tới gần, tôi chịu áp lực rất lớn từ cha mẹ trong việc tìm người phù hợp để kết hôn" - Su nói. Bây giờ, khi đã 31 tuổi, Su nói cô đã không còn lo lắng. "Có ích gì khi kết hôn với người bạn không thích và ly hôn chỉ vài năm sau đó? Rất lãng phí thời gian" - Su nói.
Su nằm trong số ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Millennials, những người được sinh ra trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000 và đa phần thờ ơ với hôn nhân. Đây là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, truyền thông, đồng thời là lực lượng lao động nòng cốt của hiện tại và tương lai.
Theo Đài CNN, có thể thấy ngay truyền thống chuộng con trai của các gia đình Trung Quốc cùng chính sách 1 con đã dẫn đến tỉ lệ nam nữ chênh lệch, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Hiện tại Trung Quốc dư thừa hơn 30 triệu nam giới, những người sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cô dâu.
Trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng dân số đang cận kề, khuyến khích thanh niên sinh con là trọng tâm trong chính sách của Trung Quốc. Để làm được, chính phủ nước này đã đưa ra hàng loạt chính sách và chiến dịch tuyên truyền.
Chính phủ hành động
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng việc sinh con "không chỉ là chuyện của gia đình mà còn là chuyện quốc gia". Khắp các thành phố và làng quê, những khẩu hiệu vận động sinh con thứ 2 được giăng lên, thay thế khẩu hiệu cũ đe dọa trừng phạt nghiêm khắc nếu vi phạm chính sách 1 con.
Sau khi ban hành chính sách 2 con, chính quyền các tỉnh cho kéo dài kỳ nghỉ thai sản lên mức cao nhất là 190 ngày. Nhiều thành phố còn trợ cấp tiền mặt cho cặp vợ chồng sinh con thứ 2.
Đoàn thanh niên cộng sản thì phụ trách việc của "ông Tơ bà Nguyệt", như tổ chức các sự kiện hẹn hò số lượng lớn để giúp người độc thân tìm được bạn đời.
Các nhà chức trách không chỉ khuyến khích người trẻ kết hôn mà còn cố gắng giữ cho các cặp vợ chồng không ly hôn.
Năm 2020, Quốc hội Trung Quốc đề xuất thời gian "hạ nhiệt" kéo dài 30 ngày cho những người muốn ly hôn. Luật này vướng phải nhiều chỉ trích vì nhiều người lo ngại rằng nó khiến những người chịu bạo lực gia đình ly hôn khó khăn hơn.
Một đề xuất khác của Quốc hội cũng bị chỉ trích là đề xuất hạ độ tuổi kết hôn tối thiểu xuống 18 cho cả 2 giới vào năm 2019 (trước đây là 22 với nam và 20 với nữ). Đề xuất này bị chỉ trích vì nhiều ý kiến chỉ ra rằng chính áp lực xã hội, vấn đề tài chính và vai trò của phụ nữ mới là thứ khiến giới trẻ thờ ơ với hôn nhân chứ không phải do độ tuổi.
Ý kiến này cũng là lý do cho tới nay chưa có chính sách nào của các nhà chức trách Trung Quốc có thể đảo ngược sự sụt giảm về tỉ lệ kết hôn.
Theo các chuyên gia, chính sách khuyến khích hôn nhân hiện nay gặp thất bại là vì chỉ nhắm tới phần ngọn nhưng chưa đụng phần gốc - đó chính là tình trạng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử với phụ nữ, cả ở nơi làm việc lẫn ở gia đình.
Một số lý do khác có thể kể đến như chi phí cuộc sống ngày càng cao; phụ nữ ngày càng được giáo dục tốt hơn và độc lập hơn về kinh tế, khiến hôn nhân không còn là nhu cầu thiết yếu đối với phụ nữ như trước đây.
-41%
Chỉ trong vòng 6 năm, số người Trung Quốc kết hôn lần đầu tiên đã giảm 41%, từ 23,8 triệu người trong năm 2013 xuống còn 13,9 triệu người trong năm 2019, theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận