Nhiều người đầu tư mất tiền sau khi các nền tảng sụp đổ - Ảnh: Reuters
Hàng ngàn người xuống đường biểu tình sau khi mất hàng tỉ USD, gây sức ép lên chính quyền Bắc Kinh.
Cuộc khủng hoảng một phần gây ra bởi động thái siết chặt quản lý của chính phủ nhưng cũng phản ánh góc tối của ngành công nghiệp tài chính Trung Quốc bùng nổ thiếu kiểm soát những năm qua.
Nhiều người tin rằng những sản phẩm này cũng giống như tiết kiệm. Họ không lường trước các rủi ro
Giám đốc YU BAICHENG của nhóm phân tích dữ liệu Wangdaizhijia
Cơn lốc vỡ nợ
Tính đến cuối tháng 6-2018, có hơn 2.800 trang cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P) hoạt động ở Trung Quốc tạo nên thị trường lớn nhất thế giới với 4,1 triệu người cho vay và 4,3 triệu người vay, theo Financial Times.
Tuy nhiên chỉ trong nửa đầu năm nay đã có hơn 700 trang ngừng hoạt động và đỉnh điểm là có ít nhất 165 trang gặp nhiều vấn đề như không thể trả tiền vay hoặc yêu cầu cảnh sát vào cuộc điều tra trong tháng 7-2018, tăng 200% so với tháng trước đó.
Cũng trong tháng 7-2018, sự hỗn loạn khiến các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khiến thị trường sụp đổ theo hiệu ứng domino.
Cơn lốc thổi bay hàng tỉ USD. Theo Nikkei Asian Review, hơn 20 công ty lớn đã vỡ nợ hơn 23 tỉ nhân dân tệ (khoảng 3,3 tỉ USD) trong khi hàng trăm công ty nhỏ hơn gộp lại cũng hơn 30 tỉ tệ (khoảng 4,4 tỉ USD).
Đó là chưa kể những bên cho vay theo kỳ hạn nhiều năm. Trong khi đó, cả năm 2017 có tỉ lệ vỡ nợ chỉ vào khoảng 1-2 tỉ tệ.
Nhiều người đầu tư tiền của vào các trang cho vay mất sạch gia sản sau một đêm. Trong tuần qua, hàng ngàn nhà đầu tư giận dữ đã kéo đến các phố tài chính hào nhoáng ở Bắc Kinh hay tụ tập ở Thượng Hải, Hàng Châu.
"Ban đầu tôi không tin. Cuối cùng tôi đành chấp nhận sự thật" - CNN dẫn lời một nhà quản lý dự án công trình đã rót hơn 40.000 USD vào trang web Tourongjia, cho biết ông đặt niềm tin vào trang web vì có vẻ nó được chính phủ hậu thuẫn. Nhưng ông không biết rằng nó cũng như hàng loạt trang khác đã gặp vấn đề từ lâu.
Bắc Kinh đau đầu
Truyền thông Trung Quốc ngày 9-8 đưa tin chính quyền đã mở cuộc điều tra quản lý các trang cho vay P2P.
Theo đó, chính quyền địa phương lẫn các nền tảng cho vay trực tuyến phải báo cáo những bên vay tiền bị phá sản hoặc "mất tích", chi tiết các khoản vay... Tuy nhiên động thái khó mà kiểm soát được cơn vỡ nợ đang diễn tiến quá nhanh.
Theo các chuyên gia trong ngành, cơn sóng vỡ nợ hiện tại là hậu quả kết hợp giữa quản lý yếu kém, lừa đảo lẫn chiến dịch cắt giảm nợ của chính phủ. Không quá khó hiểu khi một hệ thống tài chính khổng lồ nhưng thiếu kiểm soát đã tạo ra những quả bom nợ nổ chậm.
Ngoài ra, các cơ quan tài chính Trung Quốc thời gian qua cũng siết chặt các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ. Khi các ngân hàng ngưng các khoản vay, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường P2P.
Cuộc khủng hoảng chỉ là một phần trong nhiều vấn đề kinh tế khác đang khiến Bắc Kinh đau đầu, từ chứng khoán sụt giảm, giá nhà đất mất ổn định cho đến rủi ro trong các quỹ, bảo hiểm... trong bối cảnh kinh tế đang chậm lại và chiến tranh thương mại với Mỹ.
Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tiền gửi ngân hàng của người dân trong tháng 4-2018 đã giảm 190 tỉ USD. Cuộc chiến cắt giảm nợ của Trung Quốc cũng gây ra nhiều hiệu ứng như tỉ lệ vỡ nợ doanh nghiệp vượt 34 tỉ tệ (khoảng 5 tỉ USD).
Tuy nhiên bất chấp những vấn đề, Bắc Kinh dường như vẫn muốn khuyến khích thị trường cho vay P2P. Một bài bình luận trên Tân Hoa xã mới đây nói rằng cuộc khủng hoảng được dự đoán từ lâu và có thể đe dọa toàn bộ lĩnh vực này.
"Cách sống sót tốt nhất là mọi ngành phải tuân thủ luật pháp để phát triển. Không thể nhắm mắt phủ nhận toàn bộ chỉ vì những vấn đề ngắn hạn" - tờ này dẫn lời giám đốc Yang Dong của Trung tâm tài chính mạng Đại học Nhân dân, Trung Quốc.
Một ứng dụng cho vay trực tuyến ở Trung Quốc - Ảnh: NYT
Mô hình cho vay P2P nổi lên ở Trung Quốc từ năm 2007 và được chính phủ ủng hộ nhằm tạo sân chơi cho những người vay tiền nhỏ và ngắn hạn vốn bị bỏ rơi bởi các ngân hàng lớn.
Để thu hút các nhà đầu tư, mô hình này hứa hẹn các khoản lời hấp dẫn lên đến 40 hay 50%.
Tuy nhiên sau khi thị trường này ngày càng phình to hơn 190 tỉ USD, kéo theo hàng loạt vi phạm, gian lận và tội phạm, Bắc Kinh đã mở chiến dịch dọn dẹp từ năm 2016 nhưng trì hoãn đến tháng 4-2018.
Đây cũng là một phần trong nỗ lực dọn dẹp các rủi ro trong ngành tài chính nói chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận