16/07/2012 08:03 GMT+7

Trung Quốc viện trợ Campuchia "vô điều kiện"?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Theo ước tính, 5 năm qua Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia hơn 2 tỉ USD “không kèm theo điều kiện nào”. Sau “hành động hào hiệp” này của Bắc Kinh, Trung Quốc được gì và Campuchia được gì?

9N4DFS9U.jpgPhóng to
Người dân khu vực hồ Boeung Kak đến Phnom Penh phản đối việc giải tỏa nhà để nhường chỗ cho một dự án nhà ở hạng sang do Tập đoàn đầu tư Trung Quốc Erdos Hongjun xây dựng làm hơn 10.000 người mất nhà cửa - Ảnh: Reuters

Trung Quốc thường không công khai về những khoản viện trợ dành cho một quốc gia hay khu vực. Hầu như chẳng có thông tin chi tiết viện trợ của Trung Quốc trên mạng Internet, trái ngược với những nhà tài trợ phương Tây là phải báo cáo với Ủy ban Hỗ trợ phát triển (DAC). Chuyên gia phát triển quốc tế Deborah Brautigam cho biết viện trợ của Trung Quốc được định nghĩa là tất cả dòng vốn có liên quan đến chính phủ, công ty nhà nước hoặc ngân hàng Trung Quốc.

Gánh nợ cho thế hệ tương lai

Con số thật sự là bao nhiêu? Không thể biết được. Chỉ biết là vào tháng 2-2009, Campuchia đã gọi Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy nhất” khi cảm ơn những hỗ trợ của Bắc Kinh trong sự phát triển, hòa bình và hòa giải quốc gia Campuchia.

Những số liệu từ Báo cáo hiệu quả viện trợ Campuchia mới nhất được công bố tháng 10-2011 cho thấy trong năm 2010, Trung Quốc đã viện trợ 138 triệu USD cho Phnom Penh, chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản với 146 triệu USD, chiếm một phần lớn trong tổng số 1 tỉ USD nước này nhận được. Tuy nhiên, viện trợ của Bắc Kinh được ước tính tăng đến 211 triệu USD vào năm 2011.

Các báo cáo trước đó cho thấy số tiền Trung Quốc chi cho Campuchia dưới hình thức viện trợ gồm 67 triệu USD năm 2009, 127 triệu USD năm 2008, 92,7 triệu USD năm 2007 và 53,2 triệu USD năm 2006. Trong đó, năm 2006 ghi nhận Trung Quốc vượt Mỹ, nhưng số tiền thực tế lại thấp hơn rất nhiều so với con số 600 triệu USD mà truyền thông Campuchia đưa tin.

Campuchia cho biết một phần lớn số tiền viện trợ được rót vào các lĩnh vực xã hội và cơ sở hạ tầng, y tế, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục. Theo Asia Times, trong số gần 900 triệu USD tiền vay và tài trợ mà Trung Quốc dành cho Campuchia từ năm 2006 đến nay, một khoản lớn dành cho việc xây dựng con đập Kamchay ở tỉnh Kampot.

Mối quan hệ Phnom Penh - Bắc Kinh những năm gần đây là một trong những mối quan hệ được Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao. Ông cho rằng ông muốn có những người bạn như Trung Quốc. Bởi vì theo ông, không giống như những nước viện trợ khác, Trung Quốc cung cấp sự giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện nào và không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.

Thế nhưng, liệu viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia có là “không điều kiện”? Năm 2009, Campuchia cũng bất ngờ nhận được khoản hỗ trợ lớn trị giá 1,2 tỉ USD “không kèm theo điều kiện nào” thông qua 14 thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến thăm diễn ra chỉ hai ngày sau khi Phnom Penh trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ. Chuyến thăm Campuchia của ông Hạ Quốc Cường, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc giữa tháng 6-2012, cũng đem đến cho Campuchia khoản cho vay 430 triệu USD. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi chính quyền Campuchia bắt giữ Patrick Devillers, một công dân Pháp liên quan đến vụ bê bối của cựu quan chức Trung Quốc Bạc Hi Lai và giao cho Bắc Kinh.

Laura Speyer, thuộc Hội đồng quan hệ nước ngoài, bình luận dù không có sự liên quan chính thức nào giữa hai sự kiện thì cũng cho thấy “Trung Quốc tin rằng có thể đổi tiền và đầu tư lấy vài kẻ chạy trốn muốn thoát khỏi hệ thống trừng phạt của Trung Quốc”.

Và liệu viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia có thực “miễn phí”? “Trung Quốc cần Campuchia - nhà kinh tế Tith Naranhkiri nói thẳng - Trong trường hợp có vấn đề an ninh, chẳng hạn chiến tranh với Đài Loan, Trung Quốc sẽ cần đến Campuchia. Thứ hai là vì các lý do kinh tế, họ (Bắc Kinh) cần dầu và khí đốt”.

Trong khi đó, quan sát viên Chan Sophal nêu rõ lợi ích của Bắc Kinh: “Họ giúp chúng tôi nhưng cũng dòm ngó những tài nguyên mà chúng tôi có như các khu mỏ, dầu, vàng, sắt và đất đai”. Lo ngại về gánh nợ cho thế hệ tương lai, nghị sĩ đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy nhận định Phnom Penh đang phải trả giá cho gánh nặng nợ nần ngày càng cao này khi Phnom Penh thường phải phát ngôn như một người phát ngôn của Bắc Kinh.

Mặt trái của viện trợ

Khó tin là tiền của Trung Quốc ngẫu nhiên được rót chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải, mà ít ngó ngàng đến các mục tiêu phát triển khác như giảm đói nghèo. Nhiều ý kiến chỉ trích những khoản đầu tư của Bắc Kinh cuối cùng đều rơi vào tay những công ty Trung Quốc làm chủ thầu xây dựng các con đường hay đập thủy điện.

Phe đối lập ở Campuchia chỉ ra rằng những con đập do Trung Quốc tài trợ đều do người Trung Quốc xây, và cuối cùng do các công ty Trung Quốc điều hành trong hàng chục năm. Tiền bạc mà Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Campuchia rốt cuộc cũng vào túi những công ty nhà nước Trung Quốc nhận hợp đồng xây dựng đường sá và các đập thủy điện. Các hợp đồng này thiếu minh bạch, không có sự giám sát độc lập nào.

Ông Cheang Vanrarith, người đứng đầu Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia, nhận định: “Đi kèm những khoản tiền của Trung Quốc là sự thiếu minh bạch, thiếu năng lực cai trị dân chủ, không phải chỉ là năng lực cai trị mà còn là năng lực cai trị một cách dân chủ, và sự tham gia của người dân vào công việc của đất nước”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế lo ngại việc Phnom Penh hứa mua toàn bộ điện sản xuất bởi những con đập do Trung Quốc xây dựng trên đất nước mình là quá tốn kém và có thể ảnh hưởng đến nỗ lực giảm đói nghèo của nước này. Tiền mua điện mà Campuchia phải trả có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Còn các nhóm nhân quyền và chống tham nhũng thì thấy rõ hậu quả gia tăng nạn phá rừng, chiếm đất và bóc lột lao động từ những đồng tiền của Bắc Kinh.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp