Sau khi từ bỏ quan hệ với Đài Loan, thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon được đón tiếp đầy thịnh tình tại Bắc Kinh - Ảnh: THX
Việc Solomon cắt đứt quan hệ 36 năm với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc tạo ra một chuỗi phản ứng từ Mỹ, Đài Loan đến Úc. Thậm chí quyết định đó còn tác động lên Kiribaiti khiến nước này cũng từ bỏ quan hệ với Đài Loan sau đó, theo báo Guardian ngày 7-12.
Đằng sau quyết định trên là cuộc đua vung tiền để "mua" sự ủng hộ ngoại giao. Các nghị sĩ Solomon cho biết các đại diện từ chính quyền Trung Quốc và Đài Loan đã tiếp cận và đề nghị cho họ hàng trăm ngàn USD để đổi lấy sự ủng hộ của họ.
Báo Guardian dẫn lời phó thủ lĩnh phe đối lập, ông Peter Kenilorea Jr, tiết lộ "một bí mật mở là tiền luôn liên quan trong những điều này" khi đề cập đến việc các nghị sĩ Solomon quay sang ủng hộ Bắc Kinh.
Ông Kenilorea là một chính trị gia giữ vững lập trường phản đối việc từ bỏ quan hệ với Đài Loan. Với ông, việc quay ngoắt trong quan hệ là "một cái tát vào mặt của tiến trình nghị viện".
Ông tiết lộ rằng đã nghe từ các nghị sĩ có liên quan là họ đã được đề nghị cho tiền "từ khoảng 246.000 đến 615.000 USD" để ủng hộ Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Daniel Sudaini, lãnh đạo Malaita - tỉnh lớn nhất của quần đảo Solomon, cũng xác nhận ông được đề nghị hối lộ để giảm bớt lập trường chống Bắc Kinh mạnh mẽ của ông.
"Trước khi thay đổi, có một người hay nhóm người nào đó đã gọi điện thoại cho tôi để đưa ra một đề nghị để tôi có thể ủng hộ việc thay đổi. Nhưng tôi nói không vì nếu tôi chấp nhận lời đề nghị thì tôi không còn là đại diện cho người dân" - ông nói.
Trước đó, trên tờ Solomon Star, ông Sudaini cho biết khoản đề nghị hối lộ dành cho ông lên đến 123.000 USD.
Cảnh sát Solomon đã mở cuộc điều tra về các thông tin trên.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Solomon là một quá trình mở và trung thực.
"Không có tin đồn hay vu khống nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Solomon" - cơ quan ngoại giao của Bắc Kinh cho biết.
Ngược lại, ông Titus Fika - một nghị sĩ thuộc nhóm cố vấn đề nghị thay đổi quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc, cũng tố Đài Loan cố can thiệp vào quá trình này.
"Đài Loan muốn hối lộ tôi. Họ muốn cho chúng tôi một triệu USD và sau khi ủng hộ Đài Loan chúng tôi sẽ nhận thêm một triệu USD vào tài khoản" - ông Fika tiết lộ, đồng thời khẳng định không chấp nhận số tiền hối lộ để làm điều đúng đắn vì lợi ích quốc gia.
Phía Đài Loan cũng bác bỏ việc đưa hối lội. "Trong mọi trường hợp, Đài Loan sẽ không cần đến một cuộc chiến đấu giá ngoại giao đô la xấu xí với Trung Quốc, hay hối lộ các chính trị gia tham nhũng" - bà Joanne Ou, phát ngôn viên của cơ quan ngoại giao Đài Loan, lên tiếng.
Một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho xếp đảo quốc Solomon là một quốc gia "rất tham nhũng" và cho biết tình hình ngày càng tệ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận