04/03/2018 11:24 GMT+7

Trung Quốc từng 'ôm hận' vì tàu sân bay Mỹ như thế nào?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Sự xuất hiện của các tàu sân bay Mỹ ở Đài Loan không chỉ khiến Trung Quốc chùn tay, Bắc Kinh xem đó là nỗi nhục thật sự. Các "sát thủ tàu sân bay" đã ra đời trong bối cảnh ấy.

Trung Quốc từng ôm hận vì tàu sân bay Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.

USS Carl Vinson (CVN-70), tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ 3 thuộc lớp Nimitz - Ảnh: US NAVY

Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên phát minh ra tàu sân bay nhưng là nước đi đầu hiện nay về công nghệ chế tạo, biến việc triển khai chúng trở thành một nghệ thuật.

Nguyên thủy của những hàng không mẫu hạm hàng trăm ngàn tấn hiện nay là những con tàu buôn hoán cải làm nhiệm vụ chở máy bay. Cho đến tận ngày nay vẫn còn những tranh cãi quốc gia nào mới là người phát minh ra loại tàu sân bay hiện đại với mặt boong phẳng.

Nhưng có một điều gần như không ai có thể phủ nhận, rằng Mỹ mới là quốc gia số 1 thế giới về đội tàu sân bay. 

Theo cách tính của Mỹ, hải quân nước này chỉ duy trì 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thực tế, xét về tính năng kỹ chiến thuật, Washington còn có nhiều hơn thế, nếu tính cả các lớp tàu mà nước này xếp vào nhóm các tàu đổ bộ tấn công như lớp Wasp hay mới nhất là lớp America.

Lãnh thổ di động của nước Mỹ

Một vài người thích sử dụng thuật ngữ "tàu sân bay hạm đội" (fleet carrier) để chỉ các siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Điều này cũng nói lên phần nào đặc điểm tổ chức của chúng.

Một tàu sân bay hạng nặng của Liên Xô (cũ) có thể đảm nhận tất cả các nhiệm vụ tấn công lẫn phòng thủ. Tư duy đa nhiệm đó không khớp với suy nghĩ chuyên biệt hóa của người Mỹ.

Hải quân Mỹ đã từng có các tàu sân bay hộ tống trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng trong mô hình hiện đại, các siêu tàu sân bay mới là trái tim và bộ não của cả đội.

Mùa hè năm 1992, một cá nhân đứng trên boong tàu sân bay có thể nhận được sự bảo vệ của ít nhất 3 lực lượng: tàu chiến mặt nước, bao gồm các khinh hạm, tàu khu trục và tuần dương hạng nặng; tàu ngầm; và cuối cùng, không quân trên hạm với hàng chục tiêm kích, trực thăng.

Trung Quốc từng ôm hận vì tàu sân bay Mỹ như thế nào? - Ảnh 2.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson (CSG-1) - Ảnh: US NAVY

Tháng 10-2004, hải quân Mỹ bắt đầu thiết kế lại, tổ chức các nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG), gồm một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân giữ vai trò soái hạm, 2-3 tàu khu trục và tuần dương cùng không đoàn trên hạm.

Tùy tính chất nhiệm vụ, đôi khi các CSG sẽ nhận được sự hỗ trợ của các tàu tiếp liệu ngay trên biển. Bản thân các siêu tàu sân bay không cần tiếp liệu, hai lò phản ứng hạt nhân cho phép nó đủ năng lượng hoạt động ít nhất 20 năm liên tục. Nhưng các tiêm kích mà nó mang theo thì khác, chúng cần nhiêu liệu để cất cánh.

Dù đã tinh giản quy mô, một nhóm tác chiến tàu sân bay vẫn có thủy thủ đoàn ít nhất 7.800 người. Các tàu chiến trị giá hàng tỉ USD không hẳn là tài sản, cùng với những con người đang vận hành chúng, đó thật sự là các lãnh thổ di động ngang dọc trên các đại dương.

Không có sự hiện diện tiền tuyến đó cũng được, nhưng chúng ta sẽ mất đi sức nặng trong tiếng nói và có ít hơn sự ảnh hưởng. Khi nói hải quân Mỹ can dự, nó có nghĩa là hiện diện ở đó.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen (1997 – 2001)

Nỗi nhục của Trung Quốc

Sự xuất hiện của hai nhóm tàu sân bay Mỹ tại Đài Loan năm 1995, về căn bản, đã thay đổi tư duy quân sự của người Trung Quốc. Giới học giả Mỹ vẫn hay gọi đó là cuộc Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3, diễn ra từ tháng 8-1995 đến tháng 3-1996.

Tháng 8-1995, hai tháng sau khi ông Lý Đăng Huy, nhà lãnh đạo Đài Loan có quan điểm cứng rắn với đại lục đến Mỹ, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu một loạt các cuộc tập trận nhắm vào Đài Loan. Khoảng cách từ vị trí các tên lửa của Trung Quốc rơi cách Đài Bắc và Cao Hùng của Đài Loan chưa tới 50km. 

Bốn cuộc tập trận quy mô lớn liên tiếp được tổ chức trong vòng 6 tháng đẩy tình hình xung quanh eo biển Đài Loan lên mức cao chưa từng có. Kịch bản một cuộc đổ bộ vào Đài Loan đã được đặt ra trên truyền thông.

Trung Quốc từng ôm hận vì tàu sân bay Mỹ như thế nào? - Ảnh 4.

Các tàu sân bay Mỹ USS Nimitz (CNV-68) và USS Independence (CV/CVA-62) trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3 - Ảnh: US NAVY

Bất chấp các thỏa thuận chấp nhận nguyên tắc "Một Trung Quốc" trước đó, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra lệnh triển khai hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) và USS Independence (CV/CVA-62) tới Đài Loan. Đó là lần đầu tiên Mỹ triển khai cùng lúc 2 tàu sân bay tại châu Á. 

Cùng với các tàu tuần dương bảo vệ, tàu ngầm, sự xuất hiện của hai nhóm tàu sân bay được xem là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực kể từ sau cuộc chiến ở Việt Nam.

Đài Bắc đã được giải vây ngay sau đó. Sự có mặt của các tàu sân bay Mỹ khiến Trung Quốc chùn tay và giảm tần suất tập trận ngay sau đó. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Anthony Lake khi đó cảnh báo Bắc Kinh sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng nếu tấn công Đài Loan. 

Mọi căng thẳng chỉ xuống thang khi cuộc bầu cử ở Đài Loan kết thúc, với kết quả thêm một nhiệm kỳ cho ông Lý Đăng Huy.

Đề phòng bất trắc, hai tàu sân bay Mỹ tiếp tục hiện diện ở châu Á thêm vài tháng nữa, đến tận tháng 9-1997.

Trung Quốc từng ôm hận vì tàu sân bay Mỹ như thế nào? - Ảnh 5.

"Sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21 của Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Thực tế, ai cầm quyền ở Đài Loan sau đó đã không còn quan trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh cảm thấy họ bị đe dọa thật sự bởi các tàu sân bay Mỹ. Cộng với cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 2 (1958), khi tàu sân bay USS Lexington (CV-16) lảng vảng ngoài khơi Đài Loan, Bắc Kinh hạ quyết tâm sẽ không để nỗi nhục này tái diễn thêm một lần nào nữa.

Chiến lược "chống xâm nhập/chống tiếp cận" (A2/AD) được vạch ra ngay sau đó, với kết quả là sự ra đời của những tên lửa mà Trung Quốc tự hào là "sát thủ tàu sân bay" như DF-21. Ngày nay, eo biển Đài Loan vẫn là một trong những khu vực tập trung quân sự dày đặc nhất thế giới, với các bệ phóng tên lửa đạn đạo, đất-đối-hạm đặt trên đất Trung Quốc hướng về Đài Loan.

Đội tàu sân bay Mỹ sắp thăm Việt Nam uy lực cỡ nào? Đại sứ Phạm Quang Vinh thăm tàu sân bay USS George H. W. Bush Trung Quốc định đóng thêm tàu sân bay chạy bằng hạt nhân
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp