Một khách tham dự Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8-7 đang quét nhận diện khuôn mặt để vào cửa - Ảnh: Bloomberg
Theo báo Washington Post, ông Guo Bing - giáo sư luật tại thành phố Hàng Châu - từng là nhân vật được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm trong vụ kiện được cho là lần đầu tiên có ở Trung Quốc. Ông Guo kiện một sở thú vì thu thập dữ liệu sinh trắc học của ông khi chưa đủ cơ sở pháp lý cho việc này.
Và điều quan trọng nhất là ông đã thắng!
Trong vụ kiện đó, ông Guo lập luận không có cơ sở pháp lý nào để công viên Safari Hàng Châu được phép thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách. Thêm nữa, cơ sở này cũng không áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ an toàn các dữ liệu đó sau khi thu thập.
Trong tháng 4 năm nay, một phiên tòa phúc thẩm một lần nữa đứng về ông Guo, ra phán quyết buộc sở thú ở Hàng Châu phải trả lại tiền cho ông và xóa bỏ hình quét gương mặt cũng như dấu vân tay của ông.
Hiện tại, chính quyền Trung Quốc đang đưa ngành công nghiệp nhận diện khuôn mặt một thời được phát triển tự do thoải mái vào khuôn khổ quản lý nghiêm ngặt hơn.
Tuần này, trích dẫn "án lệ" của ông Guo, Tòa án tối cao Trung Quốc tuyên bố quyền riêng tư của khách hàng phải được bảo vệ trước mọi công cụ thu thập dữ liệu khuôn mặt không có cơ sở chính đáng.
"Công chúng đang ngày càng lo ngại về việc lạm dụng công nghệ nhận diện gương mặt" - ông Yang Wanming, một lãnh đạo tại Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo ngày 28-7. "Yêu cầu tăng cường bảo vệ dữ liệu khuôn mặt đang tăng cao", ông tiếp.
Tòa tối cao cũng nói phán quyết của họ trong vụ việc này có chung quan điểm với các cơ quan chính phủ cao nhất của Trung Quốc, cũng như của Bộ Chính trị, Bộ Công an, các cơ quan quản lý công nghệ và thị trường.
Dù vậy, giới quan sát nhận định những diễn biến mới nhất cho thấy sự thay đổi hoàn toàn về lập trường trong cách nhìn nhận về quyền riêng tư dữ liệu người dùng ở Trung Quốc.
Trong nhiều năm trước, các camera nhận diện khuôn mặt mọc lên như nấm tại các siêu thị, tổ hợp dân cư, tòa nhà văn phòng, ngay cả ở các nhà vệ sinh công cộng để ngăn chặn nạn lấy cắp giấy vệ sinh.
Khi đó, nhiều chính quyền địa phương còn ca ngợi đó là những sáng kiến công nghệ cao giúp ngăn chặn tội phạm.
Tuy nhiên thời gian qua Bắc Kinh đã có nhiều động thái cứng rắn và quyết liệt trong việc kiểm soát các hãng công nghệ lớn (Big Tech), trong đó có việc ngăn chặn nguy cơ dữ liệu cá nhân của người Trung Quốc bị lọt ra nước ngoài.
Các quy định mới của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc có hiệu lực từ 1-8 áp dụng với mọi tình huống dân sự có liên quan công nghệ nhận diện gương mặt.
Theo đó, mọi khách sạn, trung tâm mua sắm, sân bay và các điểm kinh doanh thương mại khác phải được sự đồng ý của khách trước khi sử dụng công nghệ nhận diện này.
Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ này cũng không được vượt quá mức cần thiết và các công ty phải có những biện pháp bảo vệ dữ liệu riêng tư của khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận