Công nhân thu hoạch bông trên một cánh đồng ở Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: AFP
"Mục đích thật sự của họ là tiến hành một 'cuộc diệt chủng ngành công nghiệp', ngăn cản Tân Cương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu" - ông Xu Guixiang phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 30-4.
Ông Xu thừa nhận các biện pháp trừng phạt sẽ tác động đến xuất khẩu của các công ty tại Tân Cương. Tuy nhiên, ông Xu khẳng định về lâu dài, các công ty này sẽ tăng khả năng cạnh tranh của mình bằng cách đầu tư vào khoa học và công nghệ.
Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực bảo vệ chính sách của nước này tại khu vực Tân Cương thời gian vừa qua.
Nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và phương Tây cáo buộc Bắc Kinh bắt hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người các cộng đồng thiểu số Hồi giáo khác vào các "trại cải tạo" ở Tân Cương, cưỡng bức lao động và các vi phạm nhân quyền khác.
Chính phủ Mỹ từng mô tả các vi phạm của Trung Quốc tại Tân Cương là "tội ác diệt chủng".
Cuộc họp báo ngày 30-4 là sự kiện thứ 8 mà các quan chức Tân Cương phát biểu trước các nhà báo nước ngoài, trong một nỗ lực nhằm bác bỏ từng cáo buộc một của phương Tây.
Bắc Kinh cũng đã tổ chức các chuyến đi đến Tân Cương cho nhà báo nước ngoài. Tuy nhiên, giới chức địa phương và cảnh sát đã chặn những nhà báo tự đi đến khu vực này để điều tra các cáo buộc về vi phạm nhân quyền.
Trong năm nay, Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức bị cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.
Bắc Kinh cũng đã có các biện pháp đáp trả.
Một số doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, trong đó có nhãn hàng thời trang H&M (Thụy Điển), đã vấp phải phản ứng dữ dội và bị tẩy chay ở Trung Quốc sau khi thông báo không mua bông vải sản xuất ở Tân Cương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận