Bắc Đẩu của Trung Quốc là hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu thứ tư sau GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu - Ảnh: Reuters
Thông tin về việc xây dựng hệ thống chính của BDS-3 đã hoàn thành được người phát ngôn của Hệ thống Vệ tinh Định vị Bắc Đẩu (BeiDou Navigation Satellite System - BDS) Ran Chengqi cho biết trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 27-12.
Điều này có nghĩa là BDS đã chính thức bước vào "kỷ nguyên toàn cầu" khi được mở rộng từ hệ thống khu vực sang hệ thống thế giới.
"Kể từ bây giờ, bất kể bạn đi đâu, BDS sẽ luôn ở bên", Ran Chengqi nói.
Bắc Đẩu sử dụng một loạt các vệ tinh để cung cấp cho người dùng định vị chính xác với sai số khoảng 5 - 10m. Hầu hết chip điện thoại thông minh đã bán trên toàn cầu đều tương thích với Bắc Đẩu.
Trung Quốc bắt đầu phát triển hệ thống định vị vệ tinh của riêng mình vào những năm 1990, nhằm giảm phụ thuộc hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Bắc Đẩu bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị cho cơ sở hạ tầng quan trọng và quân sự của Trung Quốc từ năm 2000.
Hiện tại, hệ thống này đang ở giai đoạn thứ ba, có khả năng cung cấp dịch vụ định vị ở các khu vực địa lý khác nhau. Các vệ tinh Bắc Đẩu thứ 42 và 43 được Trung Quốc phóng lên vào tháng 11, mở rộng vùng phủ sóng tới một số khu vực của châu Âu và châu Phi.
Bắc Đẩu là một trong số rất nhiều dự án đầy tham vọng mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thực hiện để tăng cường khả năng cạnh tranh trong ngành hàng không vũ trụ. Đầu tháng này, Trung Quốc gửi một tàu thăm dò đến phía xa của mặt trăng (hố thiên thạch Von Kármán), vùng mà không có tàu thăm dò nào của quốc gia khác dám mạo hiểm vào.
Quốc gia này cũng sản xuất máy bay chở khách với tham vọng trở thành đối thủ của của các hãng Airbus và Boeing. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp tư nhân trong nước cũng đang chạy đua phóng tên lửa để đưa vệ tinh lên quỹ đạo nhằm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ không gian thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận