Reuters dẫn lời ông Vương Nghị: “Qua nhiều năm đàm phán, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về các cơ sở của một hiệp định biên giới và chúng tôi sẵn sàng để đi đến một thỏa thuận cuối cùng”.
Chuyên gia Hoo Tiang Boon, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, nhận định rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị khôi phục quan hệ với Ấn Độ theo cách tích cực nhất. Họ hiểu rằng “quan hệ đối ngoại ở Đông Á không thật sự hoàn hảo”.
Trong khi đó, về phía Ấn Độ, giới quan sát nhận định tân Thủ tướng Narenda Modi là một người có ít kinh nghiệm về chính sách ngoại giao nhưng lại khá tài tình trong quan hệ với Trung Quốc. Theo Business Week, trong hai chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng, ông Modi sẽ thăm hai nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Đầu tiên là nước láng giềng Bhutan. Truyền thông Bhutan cho biết Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một vùng đất rộng tới 4.500km2 trên đất Bhutan, tức hơn 10% tổng diện tích của vương quốc nhỏ bé này. Mặc dù đôi bên đã đàm phán về tranh chấp nhưng cả hai vẫn chưa có các quan hệ ngoại giao. Bằng cách đi thăm Bhutan đầu tiên, ông Modi dường như đang nhắm đến việc giữ vương quốc này trong quỹ đạo của mình.
Business Week cho biết thêm sau Bhutan, ông Modi sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 7. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ lâu đã nuôi dưỡng quan hệ với ông Modi và theo truyền thông Ấn Độ thì ông Modi là một trong ba người mà ông Abe theo dõi trên mạng xã hội Twitter.
Một bài viết trên The Diplomat nhận định rằng bằng cách cho chính phủ của ông Modi thấy các lý do để hợp tác với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp, Bắc Kinh có thể làm chậm lại quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản vốn được đánh giá là sẽ nảy nở mạnh mẽ trong nhiệm kỳ của ông Modi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận