Nghi can nhận hối lộ Yu Zhendong (phải) tình nguyện trở lại Trung Quốc - Ảnh: SCMP |
Năm 2014, Bộ Công an Trung Quốc mở “Chiến dịch săn cáo” để truy lùng các quan chức và doanh nhân tham nhũng trốn và tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Tính đến nay nhà chức trách Trung Quốc đã đưa hơn 500 kẻ trốn chạy và 3 tỉ NDT (484 triệu USD) về nước.
Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đưa lên trang web bài viết mô tả chiến dịch “săn cáo” ở nước ngoài. CCDI cho biết “Chiến dịch săn cáo” nằm dưới sự điều hành của Văn phòng Hồi hương tị nạn và thu hồi tài sản (FRARO), bao gồm các quan chức CCDI, viện kiểm sát, bộ ngoại giao, công an, tư pháp, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc...
Một trong những thách thức lớn nhất là săn lùng các quan chức bỏ trốn ở Mỹ, Canada và Úc. Đây là những quốc gia mà các quan tham Trung Quốc thường đến vì các nước này không ký thỏa thuận dẫn độ với Mỹ.
Trong một số trường hợp, FRARO tung đặc vụ tới truy lùng các quan chức tham nhũng đã ra nước ngoài định cư và gặp họ để thuyết phục họ quay về nước.
Các đặc vụ này cung cấp cho chính quyền quốc gia sở tại bằng chứng phạm tội của những quan chức tham nhũng trên, bao gồm hành vi vi phạm luật di trú.
FRARO cũng cung cấp cho chính quyền sở tại bằng chứng để truy tố các quan chức này theo luật pháp địa phương. FRARO thu hồi tài sản bằng nhiều cách, từ việc thực thi các thỏa thuận luật pháp song phương, kiện dân sự ở địa phương, tịch biên tài sản phạm tội ở nước ngoài hoặc Trung Quốc...
Một biện pháp khác là thương lượng và đạt thỏa thuận với các nghi phạm hoặc gia đình của họ để trả lại tài sản bất chính.
”Những kẻ trốn chạy giống như những con cáo khôn ngoan đã trốn ra nước ngoài để lẩn trốn pháp luật. Nhưng chúng tôi, những thợ săn thông thái, sẽ tìm ra chúng. Dù chúng trốn đến đâu thì cũng không thoát tay chúng tôi” - Trung Quốc Nhật Báo dẫn lời ông Liu Dong, một quan chức Bộ Công an.
Trung Quốc cũng đang đề nghị Mỹ hợp tác trong vấn đề truy lùng những kẻ trốn chạy. Ông Wang Qishan, người đứng đầu CCDI, sẽ đến thăm Mỹ trong thời gian tới để thảo luận về cơ chế hợp tác. Bắc Kinh cũng đang gây sức ép lên Canada và Úc.5
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận