Theo báo Wall Street Journal, Matxcơva đã quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bắc Kinh khi phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh. Các công ty năng lượng phương Tây cũng đang cố gắng rút khỏi những dự án hợp tác với Nga tại Bắc Cực.
Chính tình hình trên đã giúp Trung Quốc nhanh chóng tăng cường sự hiện diện của mình ở cực Bắc Trái đất, thay đổi cục diện ở khu vực này, giúp Bắc Kinh tiến gần đến việc hiện thực hóa “giấc mơ Bắc Cực”.
"Giấc mơ Bắc Cực" của Trung Quốc
Trung Quốc vẫn luôn mong muốn mở rộng vai trò của mình ở Bắc Cực nhằm tìm ra con đường vận chuyển hàng hóa mới. Hồi năm 2017, Bắc Kinh từng đề xuất “con đường tơ lụa vùng địa cực” như một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đề xuất trên của Bắc Kinh nhằm tận dụng khoảng cách ngắn hơn để vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực, tránh các điểm ách tắc ở kênh đào Suez và eo biển Malacca.
Theo nhận định của Wall Street Journal, ngoại trừ Nga, các quốc gia phương Tây đều ngày càng thận trọng với Trung Quốc.
Cụ thể, Đan Mạch đã ngăn cản kế hoạch xây dựng ba sân bay ở khu vực Greenland (quốc gia tự trị thuộc Đan Mạch) của Bắc Kinh do lo ngại về vấn đề an ninh. Trong khi đó, Canada chặn một công ty Trung Quốc mua mỏ vàng ở khu vực Bắc Cực hồi năm 2020 vì lý do tương tự.
Thế nhưng không phải lúc nào Nga cũng chào đón Trung Quốc đến Bắc Cực.
Matxcơva từng phản đối việc Trung Quốc nộp đơn xin trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực. Hội đồng này là cơ quan chung của 8 quốc gia giáp khu vực vùng cực này, đồng thời cũng là diễn đàn hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề ở vùng cực Bắc.
Trước đó, Matxcơva cũng ngăn chặn các tàu nghiên cứu của Trung Quốc đến Bắc Cực.
Cánh cửa Bắc Cực mới cho Trung Quốc
Trước sự quay lưng của các công ty từ phương Tây, Matxcơva đã nhanh chóng bắt tay với các công ty Trung Quốc để tiếp tục phát triển các cảng, mỏ dầu cũng như các cơ sở hạ tầng khác ở khu vực thuộc lãnh thổ Nga tại Bắc Cực.
Hồi tháng 2 năm nay, Nga đã thay đổi một số điểm trong chính sách Bắc Cực của mình.
Chuyển chiến lược từ tập trung vào việc “tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp với các quốc gia gần Bắc Cực khác”, Matxcơva nay còn chú trọng tiếp cận các quốc gia bên ngoài.
Theo Wall Street Journal, đây chính là động thái giúp “cánh cửa đến Bắc Cực” của Trung Quốc ngày càng được mở ra rộng hơn.
Ông Anatoly Tkachuk, một cựu sĩ quan của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) đã chuyển sang kinh doanh, tiết lộ ông đã gặp đại diện của hai tập đoàn quốc doanh khổng lồ của Trung Quốc là China Communications Construction và China Railway Construction hồi tháng 1 năm nay. Mục đích cuộc gặp là để thảo luận về kế hoạch khai thác titan và các nguyên liệu thô từ một mỏ tài nguyên lớn ở vùng biển cực Bắc này.
Trong khi đó, chính quyền khu vực Nenets, dọc theo biển Barents hồi tháng 8 vừa qua cũng cho biết tập đoàn năng lượng kỹ thuật Trung Quốc đã đồng ý mở một chi nhánh ngay trong khu vực công ty này thực hiện thăm dò phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên.
Theo dữ liệu của Công ty vận tải Kpler, đã có 10 chiếc tàu vận chuyển dầu thô Nga đến Trung Quốc chỉ trong hai tháng 8 và 9 vừa qua.
Không chỉ kinh tế, Matxcơva và Bắc Kinh cũng tăng cường tham gia các cuộc tập trận hải quân chung, cũng như triển khai sắp xếp trật tự an ninh hàng hải ở vùng cực.
Nga cũng mong muốn Trung Quốc hỗ trợ về công nghệ như cải tiến dữ liệu vệ tinh để theo dõi tình hình băng giá ở Bắc Cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận