Phóng to |
Sự ra đời của bộ luật là một bước trong tiến trình thực hiện cam kết của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO. Bộ luật nêu rõ mục đích phòng chống hành vi độc quyền, bảo vệ cạnh tranh công bằng, nâng cao hiệu quả vận hành kinh tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật chống độc quyền quy định rõ “hành vi độc quyền”. Đó là doanh nghiệp tự ký kết các thỏa thuận độc quyền, lạm dụng địa vị chi phối thị trường, có hành vi loại trừ, hạn chế hiệu quả cạnh tranh. Doanh nghiệp nhà nước, các ngành nghề kinh doanh độc quyền theo pháp luật sẽ được nhà nước bảo vệ quyền kinh doanh hợp pháp. Các cơ quan hành chính, thi hành pháp luật không được lạm dụng quyền lực hành chính, bài trừ, hạn chế cạnh tranh. Luật cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền tố cáo hành vi độc quyền, cơ quan thi hành luật sẽ bảo mật cho người tố cáo.
Ngoài ra, bộ luật cũng quy định các mức phạt. Cụ thể như đơn vị thực hiện thỏa thuận độc quyền, lạm dụng địa vị chi phối thị trường sẽ bị phạt 1%-10% doanh thu năm trước đó; ký kết nhưng chưa thực hiện thỏa thuận độc quyền bị phạt 50.000 nhân dân tệ; doanh nghiệp từ chối cung cấp tài liệu, thư từ, số liệu cho cơ quan điều tra bị phạt 20.000-100.000 nhân dân tệ...
Mặc dù các văn bản dưới luật kèm theo đến nay vẫn chưa được ban hành, nhưng nhiều chuyên gia cho biết mục đích chính của bộ luật là chống hành vi độc quyền, lạm dụng địa vị chi phối thị trường chứ không phải chống các doanh nghiệp độc quyền. Vừa qua, có tình trạng một sản phẩm trong cùng thời điểm có giá bán chênh lệch rất nhiều giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới; hay một số doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng vị thế của mình tự ý nâng giá, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Những kiểu quy định cấm mua bán ôtô khác khu vực cư trú, đồng loạt nâng giá bán mì gói, dầu ăn vào năm 2007, thu phí giao dịch ngân hàng... cũng đang ngày càng phổ biến ở nước này.
Được bộ luật giúp đỡ, nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đang chuẩn bị tinh thần khởi kiện các công ty nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng các tập đoàn Microsoft, Intel của Mỹ rất có thể sẽ trở thành bị cáo đầu tiên khi bộ luật được thực thi.
Martyn Huckerby, luật sư của văn phòng Clifford Chance, thừa nhận với AFP mục tiêu của Luật chống độc quyền là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng phương thức áp dụng đối với các công ty nhà nước vẫn chưa rõ ràng. Ông Triệu Vạn Nhất, giáo sư Đại học Chính trị pháp luật Tây Nam, phát biểu trên tờ Nam Phương Nhật Báo: “Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng Bộ luật chống độc quyền không có tính khả thi, chỉ bảo hộ doanh nghiệp nhà nước, còn nhiều bất cập..., nhưng dù sao cũng là bộ luật giúp duy trì trật tự của thị trường”.
Theo Tân Hoa xã, hiện ở Trung Quốc có ba loại hình độc quyền gồm độc quyền hành chính (cơ quan nhà nước lợi dụng quyền lực phong tỏa, bắt buộc chỉ định hàng hóa giao dịch), độc quyền ngành nghề (doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị kinh doanh độc quyền theo pháp luật thực thi hành vi hạn chế cạnh tranh, bắt buộc giao dịch như đường sắt, bưu chính, điện nước, hàng không, tiền tệ...), độc quyền kinh tế (hành vi độc quyền xuất hiện trong quá trình cạnh tranh tự do của doanh nghiệp). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận