Bình Nhưỡng cho thử nghiệm bắn tên lửa hàng loạt tại một địa điểm không công bố - Ảnh: AFP
Theo hãng tin Reuters, trong buổi trình bày trước Quốc hội ngày 5-9, bà Kang cho biết đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc vào hôm 4-9 và cảm thấy ông Vương thuận tình với các biện pháp trừng phạt thêm đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử bom nhiệt hạch trưa 3-9 vừa qua.
"Tôi không thể kể ra đây các chi tiết chính xác của cuộc nói chuyện bởi bộ trưởng (Vương) yêu cầu tôi không làm lộ ra nội dung cuộc nói chuyện giữa chúng tôi nhưng tôi có thể nói rằng Trung Quốc có thể thuận tình với các biện pháp trừng phạt thêm nữa".
Bắc Kinh đã thuận tình
Ngay sau vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên, Bắc Kinh cũng đã có thái độ lên án nghiêm khắc.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ Bắc Kinh "đã trao công hàm phản đối mạnh mẽ" cho người phụ trách của Đại sứ quán Triều Tiên ở Trung Quốc.
Theo ông Cảnh Sảng, "Trung Quốc phản đối Triều Tiên tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân cũng như cam kết nỗ lực phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Lập trường này đã được Bắc Kinh làm rõ và Triều Tiên cũng biết về điều này".
Theo đó, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan, và đặc biệt là Bình Nhưỡng, có thể hành động kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng.
Để chuẩn bị cho bước tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, các nước đang ráo riết vận động nhắm vào Trung Quốc và Nga.
Như hôm 4-9, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết đã kêu gọi Trung Quốc trợ giúp để thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Triều Tiên tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), diễn ra chiều ngày 4-9 tại New York.
Thông báo với báo giới sau cuộc gặp kéo dài khoảng 15 phút với Công sứ Lưu Thiếu Tân của Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, Ngoại trưởng Kono cho biết ông đã giải thích với phía Bắc Kinh về tầm quan trọng của việc gây sức ép "tối đa" với Triều Tiên.
Ông cho biết đã đề nghị Trung Quốc thảo luận và thông qua một "nghị quyết mới, nghiêm khắc hơn" đối với Triều Tiên tuy nhiên từ chối đề cập tới phản hồi của ông Lưu Thiếu Tân.
Sau cuộc họp khẩn của các thành viên HĐBA LHQ, các bên đã thống nhất sẽ có một tuần để thảo luận thêm về các cách thức ứng xử với bước leo thang gây bất ổn của Triều Tiên và sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới vào thứ Hai ngày 11-9.
Nhưng vậy các bên ủng hộ trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa nhằm "cô lập Triều Tiên hoàn toàn" như Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Pháp sẽ phải thuyết phục cho được lá phiếu của thành viên Nga.
Thảo luận tại cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ chiều 4-9 giữa đại sứ Nga, Trung Quốc và Mỹ - Ảnh: REUTERS
Nga đá bóng về cho Mỹ
Trong phát biểu trong chiều nay 5-9 khi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại TP Hạ Môn của Trung Quốc, tổng thống Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt thêm "chẳng có ý nghĩa gì" với Triều Tiên bởi sẽ không thay đổi được ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng và trái lại chỉ càng làm tăng thêm nỗi thống khổ cho người dân.
Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo của Điện Kremlin cũng cảnh báo rằng việc làm gia tăng sức nóng quân sự ở bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ dẫn đến "thảm họa toàn cầu".
Trước đó, khi ông Putin đang làm việc ở Hạ Môn thì đã có cuộc điện đàm với tổng thống Moon Jae In của Hàn Quốc.
Nhà Xanh cho biết ông Moon nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng đã đến lúc HĐBA LHQ xem xét nghiêm túc các cách thức ngăn chặn những nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên, trong đó có việc dừng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng và lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu lao động.
"Thật quá dễ khi các nước bên ngoài khu vực nói về khả năng của một cuộc chiến với Triều Tiên. Các nước nên thận trọng trong lời nói của mình”
Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin
Tổng thống Nga lo sợ về thảm họa nhân đạo nếu trừng phạt Triều Tiên quá nặng nề - Ảnh: AFP
Ngày hôm qua, cũng tại TP Hạ Môn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo những bước đi bất cẩn, vội vàng tại Bán đảo Triều Tiên trong tình hình hiện nay có thể dẫn đến bùng nổ quân sự. Ông Ryabkov nhấn mạnh "không thể để căng thẳng leo thang" và hối thúc các bên thể hiện sự kiềm chế.
Về quan điểm của Nga, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh, Bình Nhưỡng phải ngừng các hành động khiêu khích làm bất ổn tình hình, song ông khẳng định chính trị - ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng xung quanh vấn đề Triều Tiên.
Theo ông Ryabkov, có thể dùng các đề xuất thực tế về đối thoại để tác động đến Triều Tiên và cho rằng các nỗ lực ngoại giao phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Ông Ryabkov lấy làm tiếc rằng trong vấn đề Triều Tiên cho đến nay Mỹ vẫn ngả về phương án trừng phạt đôi khi sử dụng tới ngôn ngữ đe dọa thay vì tìm kiếm giải pháp thông qua công cụ ngoại giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận