Các tàu hải cảnh của Trung Quốc tuần tra ở vùng biển Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, năm 2012 - Ảnh: XINHUA
Theo hãng tin Reuters, động thái này có thể khiến các vùng biển tranh chấp quanh Trung Quốc trở nên "hỗn loạn hơn".
Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần điều tàu hải cảnh đến xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác và một số lần đâm chìm tàu cá nước ngoài.
Ngày 22-1, truyền thông Trung Quốc đưa tin Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, ngày 22-1 thông qua Luật Hải cảnh .
Theo dự thảo được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Luật nêu các trường hợp lực lượng này có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau gồm vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tàu hoặc từ trên không.
Luật cho phép thành viên lực lượng được phá công trình mà nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền. Luật này cũng trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập tạm thời các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ngày 22-1 nói luật này phù hợp với thông lệ quốc tế, bất chấp nhiều bên lo ngại. Điều đầu tiên trong Luật Hải cảnh giải thích đạo luật cần để "bảo vệ chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc".
Luật Hải cảnh ra đời 7 năm sau khi Trung Quốc hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển để lập Cục Hải cảnh. Cục Hải cảnh Trung Quốc chuyển về dưới quyền lực lượng Vũ cảnh trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào tháng 7-2018.
Tháng 11-2020, Việt Nam tuyên bố các quốc gia "cần đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân" khi bình luận về thông tin Trung Quốc ra dự thảo cho phép hải cảnh dùng vũ lực với tàu cá nước ngoài.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Dương Hoài Nam khẳng định Việt Nam "có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa", "luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận