05/06/2020 05:36 GMT+7

Trung Quốc thành 'vị cứu tinh' của 6 nước sản xuất dầu lớn nhất vùng Vịnh

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thống kê của Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho thấy cứ 3 thùng dầu được sản xuất ở vùng Vịnh trong tháng 5 thì có một thùng chảy sang Trung Quốc.

Trung Quốc thành vị cứu tinh của 6 nước sản xuất dầu lớn nhất vùng Vịnh - Ảnh 1.

Bồn chứa dầu bên trong một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Hóa chất và dầu khí Trung Quốc tại Vũ Hán - Ảnh: REUTERS

Nhu cầu lớn của Bắc Kinh đã giúp giá dầu nhích lên từng chút. Giá dầu thô Brent đã tăng lên hơn 40 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 3-6, tăng gấp đôi so với cuối tháng 4.

Tại Oman, các nhà xuất khẩu dầu của nước này cũng tỏ ra phấn khởi khi giá dầu nhích lên 40 USD/thùng, lần đầu tiên sau gần 3 tháng.

Khách hàng "cứu tinh"

Có thể nói Trung Quốc đang sở hữu một kho dầu thô "đa quốc gia" từ Brazil, Colombia hay thậm chí là Angola, nhưng chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Đông - rốn dầu của thế giới.

Trung Quốc đã xuất hiện như "vị cứu tinh" của 6 nước sản xuất dầu lớn nhất vùng Vịnh, những nước không còn lựa chọn nào khác trong bối cảnh các thị trường lớn truyền thống như Mỹ và châu Âu vẫn còn ngụp lặn vì dịch COVID-19.

Theo Bloomberg, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất của Saudi Arabia, UAE, Oman, Kuwait, Qatar và Iraq - các nước sản xuất dầu lớn của vùng Vịnh. Tổng lượng dầu xuất khẩu của 6 nước này chỉ đạt 15,4 triệu thùng/ngày trong tháng 5, giảm hơn 4 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó. Tuy nhiên, do nhu cầu dầu của Trung Quốc đã không sụt giảm trong cả hai tháng, nước này nghiễm nhiên trở thành bạn hàng quan trọng bậc nhất của vùng Vịnh.

Thống kê cho thấy cứ 3 thùng dầu thô Saudi Arabia xuất bán trong tháng 5 thì có một thùng cập bến Trung Quốc. Tỉ lệ này lên tới 50% tại Iraq, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai của khu vực. Đây được xem là tỉ lệ cao nhất trong vòng hai năm rưỡi qua.

"Người Trung Quốc đang mua rất nhiều dầu của Oman bởi đặc tính dễ pha trộn và dầu Basra nhẹ từ Iraq" - ông Ahmed Mehdi, chuyên viên tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford, thông tin thêm.

Giải mã cơn khát

Serena Huang - nhà phân tích thuộc Công ty Vortexa có trụ sở tại Singapore - giải thích cơn khát dầu của Bắc Kinh đến từ việc giá dầu thế giới đang rẻ, dẫn tới tâm lý tranh thủ "trữ được bao nhiêu thì trữ".

Một yếu tố khác, theo Bloomberg, là do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng vọt trong nội địa Trung Quốc. Việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa chống dịch và cho phép các nhà máy hoạt động trở lại đã giúp hàng trăm triệu người ở Trung Quốc được đi lại tự do trong nước sau nhiều tháng liền "bó gối" tại nhà. Điều này đã góp phần đẩy lượng tiêu thụ xăng và diesel ở Trung Quốc lên cao.

Cả hai điều trên đã đẩy các nhà máy lọc dầu Trung Quốc, biến dầu thô thành các sản phẩm như xăng hay diesel, vào cuộc đua sản lượng. Tại tỉnh Sơn Đông, nơi tập trung nhiều nhà máy tư nhân, công suất lọc dầu của các nhà máy đã hồi phục hình chữ V khi tăng vọt từ mức 42% cuối tháng 2 lên 72% trong tháng 4 và hơn 75% ở tháng 5 vừa rồi.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục "khát" dầu thô trong tháng 6 nếu các nhà máy lọc dầu của nước này vẫn còn khả năng "uống" dầu" - ông Huang nhận định. Theo tính toán của Vortexa, sẽ có 158 - 180 triệu thùng dầu thô được tinh chế ở Trung Quốc trước giữa tháng này.

Không thể phủ nhận sự hồi phục về nhu cầu dầu của Trung Quốc có tác động tích cực nhất định tới các nước xuất khẩu dầu mỏ, nhưng vẫn ẩn chứa các rủi ro lớn.

"Bất kỳ sự trật bánh nào trong đà hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch đều có thể ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ" - chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng lượng Carole Nakhle cảnh báo.

Trung Quốc lợi nếu OPEC chia rẽ

Sự chia rẽ của các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang giúp Trung Quốc mua được dầu giá rẻ. Không chấp nhận điều này, Saudi Arabia, nước sản xuất số 1 của khối, đã thống nhất với Nga - nhà sản xuất dầu lớn nhất ngoài OPEC - sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày thêm một tháng để đẩy giá dầu lên cao.

Tuy nhiên, một số quốc gia OPEC như Iraq và Nigeria lại không muốn cắt giảm sản lượng, thậm chí còn sản xuất thả cửa trong tháng 5 với lý do cần thêm ngoại tệ để bù đắp ảnh hưởng của COVID-19. Điều này đã dẫn tới việc cuộc gặp giữa OPEC và Nga dự kiến diễn ra trong ngày 4-6 bị hủy và dời lại vô hạn định.

FED: Tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2021 FED: Tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2021

Tình trạng dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu kinh tế phục hồi yếu hơn dự kiến.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp