Bên ngoài trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Kể từ năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi tham nhũng không còn tồn tại trong chính quyền.
Chiến dịch "đả hổ - diệt ruồi" của ông Tập đã tạo ra làn sóng bỏ của chạy lấy người của các quan tham. Bắc Kinh sau đó thành lập cái gọi là chiến dịch "săn cáo" nhằm truy bắt các nhân vật tham nhũng và đưa trở về nước.
Tuy nhiên, chiến dịch này đã vấp phải những lo ngại của các nước phương Tây bởi họ cho rằng các nghi phạm khi được trao trả cho Trung Quốc có thể đối mặt với hệ thống tố tụng không công bằng, theo Hãng tin Reuters.
Điều này gây khó khăn cho việc đưa các nghi phạm về nước xét xử của Trung Quốc, đôi lúc suýt dẫn tới khủng hoảng ngoại giao vì tính toán sai. Tuy nhiên, với điều khoản vừa được bổ sung, mọi nguy cơ đều được giải tỏa. Việc xem xét sửa đổi đã được đưa ra trong một kỳ họp quốc hội hồi tháng 4-2018.
Ông Wang Aili, người đứng đầu Văn phòng luật hình sự thuộc Ủy ban Pháp lý quốc hội Trung Quốc, cho biết điều kiện để một vụ án xét xử vắng mặt được diễn ra là cần nhận được sự phê chuẩn của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc. Tuy nhiên, yếu tố hàng đầu được xem xét sẽ là tính khẩn cấp và thời gian xử lý vụ việc.
Kể cả khi người bị xét xử đang trốn ở nước ngoài, một trát hầu tòa cũng sẽ được gửi đến địa chỉ nhà của người này để đảm bảo "quyền được biết" của bị cáo. Luật sư bào chữa, do tòa chỉ định hoặc người thân bị cáo lựa chọn, cũng sẽ xuất hiện trong phiên xét xử.
Một khi bản án được tuyên, bị cáo hoặc thân nhân có quyền kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn, theo Tân Hoa xã.
Hồi tháng 4-2015, nhà chức trách Trung Quốc đã công bố danh sách 100 nghi phạm "bị truy nã gắt gao nhất", được cho là đang ẩn náu ở nước ngoài, nhiều người ở Mỹ, Canada và Úc. Hơn một nửa đã trở lại Trung Quốc, một số tự nguyện, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện chưa công bố con số chính xác về số nghi phạm khủng bố Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận