Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc họp báo tại Manila - Ảnh: Reuters |
"Rõ ràng là Trung Quốc cảm thấy tích cực về ông Duterte. Hơn nữa, đây là cơ hội để Trung Quốc có thể xem xét vấn đề chống khủng bố trong góc nhìn vấn đề của khu vực chứ không phải chỉ xem xét trong mối quan hệ với Philippines".
Ông Zhu Xin, giáo sư trợ giảng của Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định trên tờ South China Morning Post ngày 1-2 về cách ứng xử của Trung Quốc sau yêu cầu của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Hôm 31-1, phát biểu trước các tướng Philippines vừa được thăng chức, ông Duterte cho biết đã yêu cầu Trung Quốc tuần tra biển để giúp ngăn chặn các phần tử cực đoan bắt cóc thủy thủ và tấn công các tàu ngoài khơi miền nam Philippines.
"Tôi đã hỏi liệu Trung Quốc có thể tuần tra vùng biển quốc tế mà không xâm nhập vào lãnh hải của các quốc gia", nhà lãnh đạo của Manila cho biết.
Ông Duterte khẳng định muốn Bắc Kinh điều động một đội tàu như từng làm vào năm 2009 khi điều tàu hải quân đến Vịnh Aden để bảo vệ tàu bè Trung Quốc chống cướp biển Somalia.
Ông Duterte cho rằng công tác hỗ trợ tuần tra của Trung Quốc không cần đến tàu chiến mà chỉ cần tàu tuần duyên nhỏ và nó cách xa khu vực tranh chấp Biển Đông.
Đây rõ ràng là một động thái có chủ ý, bởi ông Duterte đã kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ chứ không kêu gọi Mỹ - một đồng minh quân sự chính của Philippines từ hàng chục năm qua.
Nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy nó là một sự phát triển theo định hướng của ông Duterte. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10-2016, nhà lãnh đạo Philippines từng cho ký kết hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước.
Và thậm chí trong số viện trợ của Trung Quốc, phía Philippines cũng xin đổi lấy bằng một số khí tài cần cho hoạt động tuần tra trên biển.
Philippines đã chứng minh với các thành viên khác trong khu vực rằng mình đang có vấn đề: phiến quân ở phía nam có khuynh hướng ngả sang khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và lại còn gia tăng hoạt động cướp tàu, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc. Trong khi đó Manila lại không đủ khí tài và nhân lực để giải quyết chuyện này.
Ông Xu Liping, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng "rất có thể" Trung Quốc sẽ phản ứng tích cực với đề nghị từ Philippines theo cách nước này đã hợp tác với các nước châu Á khác như Malaysia trong hoạt động chống khủng bố.
"Các khu vực sẽ tuần tra không thuộc khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vậy nên sẽ không quá nhạy cảm khi có tàu Trung Quốc tuần tra trên vùng biển trong khu vực", ông Xu bình luận.
Nhà nghiên cứu của Trung Quốc còn cho rằng các cuộc tuần tra của tàu của Mỹ tại khu vực trong thời gian qua chỉ thu hút những kẻ khủng bố trong khu vực bởi "các nhóm khủng bố chỉ nhắm vào Mỹ". Đó là một cách ông Xu cho rằng tuần tra với Trung Quốc sẽ hiệu quả và an toàn hơn!
Có thể nói các nước trong khu vực cũng khó cản trở lời đề nghị của ông Duterte vì khu vực biển quốc tế là của chung mọi quốc gia.
Với lời mời đó, Bắc Kinh sẽ chính danh giong buồm. Vừa thể hiện được vai trò đàn anh được cậy nhờ đảm bảo an ninh trong khu vực, vừa đạt mục tiêu dọn đường cho sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" vốn dĩ có thể bị các hoạt động khủng bố, cướp bóc đe dọa.
Vào tháng 1 vừa qua, Cơ quan Hàng hải quốc tế (IMB) cho biết số vụ cướp tàu bắt con tin trên biển trong năm 2016 đạt mức cao nhất trong 10 năm, với vùng biển ngoài khơi miền nam Philippines ngày càng trở nên nguy hiểm. Thậm chí giờ đây bọn cướp biển tập trung nhiều hơn vào việc tấn công các tàu hàng lớn đi gần vùng biển của Philippines, với hy vọng kiếm được nhiều tiền chuộc từ việc bắt giữ thủy thủ đoàn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận