Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát và xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp - Ảnh: CSIS |
Hẳn nhiên là một chính quyền mới lên ở Washington không chỉ là đối tượng “ưa thích” của riêng Bắc Kinh mà còn của nhiều nước khác.
Phát xít Đức từng rút khỏi Hội Quốc liên năm 1933, Bức tường Berlin được dựng lên chia đôi thủ đô nước Đức năm 1961… đều là những phép thử như vậy.
"Nắn gân" xã giao
Tháng 4-2001, đúng 77 ngày sau khi Tổng thống George W. Bush (Bush con) nhậm chức, một vụ va chạm giữa máy bay thám thính EP-3 của Mỹ và tiêm kích J-8 của Trung Quốc xảy ra trên bầu trời đảo Hải Nam.
Toàn bộ thành viên phi hành đoàn của Mỹ bị bắt giữ và chỉ được thả khi chính quyền Bush xuống nước, chuyển một lá thư gần như mang tính chất “xin lỗi” đến Trung Quốc.
Sự việc này cộng với chuyện Trung Quốc là nước đầu tiên thể hiện sự đoàn kết với Mỹ sau vụ tấn công 11-9 ở New York mang thông điệp người Trung Quốc muốn người Mỹ hãy chọn cách tiếp cận mềm dẻo và hòa giải với họ.
Tám năm sau sự cố ở đảo Hải Nam, 44 ngày kể từ khi Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng, một phép thử khác của Trung Quốc lại tái diễn trên Biển Đông và lần này nó mang tên USNS Impeccable.
Sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc xung quanh tàu khảo sát USNS Impeccable chỉ kết thúc vào ngày 12-3-2009 khi chính quyền Obama gửi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon đến giải vây và làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản của nước Mỹ trên Biển Đông.
Phải mất một khoảng thời gian sau này người ta mới lý giải được hành động của Trung Quốc có liên quan tới việc nước này triển khai tàu ngầm hạt nhân tối mật thế hệ mới trên Biển Đông và sự xuất hiện của tàu khảo sát Mỹ khi đó bị Bắc Kinh xem như một sự đe dọa.
Cái tên Biển Đông lại một lần nữa được nhắc tới khi Trung Quốc thu giữ một tàu lặn không người lái của Hải quân Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái.
Việc Trung Quốc chủ động trả tàu lặn cho Mỹ không nói lên được chuyện Bắc Kinh chọn cách tiếp cận mềm dẻo với Washington sau những tuyên bố cứng rắn, mang tính đối đầu của ông Donald Trump.
Nó chỉ có thể xem là một phép thử nhỏ đối ông Trump trước ngày nhậm chức, là đòn thăm dò cho một phép thử lớn hơn khi vị tỉ phú New York chính thức bước vào Nhà Trắng.
Phép thử mới vẫn sẽ ở Biển Đông?
Bắc Kinh đang thể hiện sự kiềm chế bất thường trước các tuyên bố từ chính quyền Trump liên quan tới Biển Đông - khu vực mà họ đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý chiếm hơn 80% diện tích.
Những phản ứng gay gắt nhất từ Trung Quốc sau tuyên bố của Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Mỹ sẽ chặn đường tiếp cận của Trung Quốc tới các đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông đến từ Thời báo Hoàn Cầu: “Trừ khi Mỹ phát động một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc trên Biển Đông, mọi cách ngăn cản khác đều là sự ngu xuẩn”.
Viết trên trang National Interest, chuyên gia Harry J.Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ) nhận định: nếu Trung Quốc muốn thử chính quyền Trump, họ có thể làm ngay trong khoảng thời gian này bằng việc tuyên bố một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Ý tưởng này không hẳn là mới và đã được nhắc tới, bàn luận trong nhiều năm kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013.
Đây là thời điểm để Bắc Kinh có thể thử vì Bộ Ngoại giao Mỹ đang vật lộn với lệnh cấm nhập cảnh còn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thì bị mất hai ghế của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI).
ADIZ là phép thử khá liều lĩnh và tách biệt so với các phép thử trước đó của Trung Quốc đối với Mỹ. Nhưng trong bối cảnh mới, khi mà nguyên tắc "Một Trung Quốc" và vấn đề Đài Loan đang bị thách thức, khi việc quân sự hóa 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông đã gần như hoàn tất, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đi đến phép thử đó.
Chuyên gia Kazianis lập luận rằng vấn đề không phải ở cách phản ứng của nước Mỹ dưới thời Trump ngay sau đó.
Washington có thể triển khai máy bay ném bom tầm xa bay qua "ADIZ của Trung Quốc" mà không cần khai báo hay triển khai các hoạt động tuần tra bảo vệ hàng hải trên Biển Đông để phản đối ADIZ của Trung Quốc.
Nhưng các hãng hàng không dân sự sẽ không mạo hiểm tính mạng của hành khách mà không gửi trước kế hoạch bay và điều đó đã vô tình thừa nhận ADIZ của Trung Quốc là hợp pháp!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận