Khoản nợ khổng lồ của Evergrande là biểu tượng cho cuộc khủng hoảng nhiều năm qua trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc, trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong động thái ngày 18-3, các cơ quan quản lý Trung Quốc thông báo sẽ cấm chủ tịch của tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande tham gia thị trường chứng khoán suốt đời vì lý do gian lận tài chính.
Hãng tin AFP dẫn hồ sơ của Hengda Real Estate, công ty con của Evergrande, gửi tới sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến rằng họ đã nhận được "thông báo trước" từ Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) về "các hình phạt hành chính và lệnh cấm tham gia thị trường nhắm vào các hành vi bất hợp pháp".
Theo đó, CSRC có kế hoạch ra phán quyết ủng hộ lệnh cấm suốt đời đối với Chủ tịch Evergrande Xu Jiayin.
Cơ quan quản lý kết luận rằng ông Xu "đã đưa ra quyết định và tổ chức thực hiện hành vi gian lận tài chính, sử dụng các cách thức đặc biệt nghiêm trọng và trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng".
Ông Xu hiện đang bị điều tra hình sự ở Trung Quốc đại lục. Theo tuyên bố, nhà lãnh đạo Evergrande sẽ bị phạt 47 triệu nhân dân tệ (6,5 triệu USD), và bản thân Hengda sẽ "được lệnh chấn chỉnh và bị cảnh cáo cũng như phạt 4,175 tỉ nhân dân tệ (580 triệu USD)".
Cựu giám đốc điều hành Evergrande Xia Haijun cũng sẽ bị cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời, bị phạt tổng cộng 15 triệu nhân dân tệ vì tham gia lập báo cáo tài chính sai lệch.
Evergrande từng là công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, trở thành gã khổng lồ phát triển khi lĩnh vực này bùng nổ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, công ty này đã tích lũy các khoản vay khổng lồ và vẫn còn nợ hơn 300 tỉ USD sau khi Bắc Kinh "tắt" các biện pháp kiềm chế lĩnh vực bất động sản vào năm 2020. Không thể trả lãi cho các khoản vay, công ty chính thức vỡ nợ vào năm 2021.
Vào tháng 1-2024, một tòa án ở Hong Kong đã phát lệnh giải thể Evergrande với lý do công ty đã không đưa ra được kế hoạch trả nợ phù hợp.
Không chỉ Evergrande, một số công ty bất động sản khác của Trung Quốc đã phá sản vì nợ nần chồng chất trong những năm gần đây, khiến Bắc Kinh phải tung ra nhiều đợt cứu trợ cho lĩnh vực này.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra khoản vay gần 10.000 tỉ nhân dân tệ cho lĩnh vực bất động sản vào năm ngoái. Dù vậy các nhà phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc.
Cuộc khủng hoảng bất động sản là một trong những vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đau đầu, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phải chịu tình trạng suy giảm tiêu dùng kéo dài, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao và dân số già đi nhanh chóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận