Quan tham Trung Quốc (phải) bị dẫn độ về từ Pháp vào giữa tháng 9 vừa qua - Ảnh: news.cn |
Các lãnh đạo Trung Quốc từng tuyên bố theo kiểu các quan tham "có thể trốn nhưng không thể thoát". Có những thời điểm, cách nghĩ của người dân Trung Quốc cho rằng các quan tham hoàn toàn có thể "hạ cánh an toàn" nếu biết cách tẩu tán tài sản rồi chạy trốn ra nước ngoài.
Đó là chuyện đã xảy ra từ nhiều năm qua. Chính vì vậy chính quyền Bắc Kinh đã mở chiến dịch có tên hẳn hoi là "Săn Cáo" nhằm truy lùng những quan tham tinh ranh "như cáo" biết tìm cách lẩn trốn ra nước ngoài nhằm thoát tội.
Thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết tính tới thời điểm ngày 20-10, chiến dịch “Săn cáo 2016” của nước này đã bắt giữ thành công 634 đối tượng tội phạm lẩn trốn tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 16 đối tượng nằm trong danh sách truy nã đặc biệt gồm 100 đối tượng tội phạm người Trung Quốc của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol).
Cũng theo Bộ Công an Trung Quốc, trong số 634 đối tượng bị dẫn độ về nước có 50 trường hợp phạm tội liên quan đến chức vụ và 31 đối tượng buôn lậu; 205 đối tượng phạm tội với số tiền từ 10 triệu Nhân dân tệ trở lên, trong đó có 59 trường hợp phạm tội với số tiền lên đến hơn 100 triệu NDT. Có 48 đối tượng đã trốn truy nã trong hơn 5 năm, và 17 đối tượng trong số này không để lại dấu vết trong vòng hơn 10 năm.
Bộ Công an Trung Quốc khẳng định mặc dù chiến dịch “Săn cáo 2016”, được khởi động từ tháng 5-2016, đã đạt được nhiều thắng lợi quan trọng, song họ vẫn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng tất các đối tượng tội phạm lẩn trốn ở nước ngoài đều sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật.
Quan tham Trung Quốc tham nhũng bị bắt ở nước ngoài đang làm thủ tục ở cửa khẩu để về nước - Ảnh chụp màn hình |
Chiến dịch “Săn cáo” với mục tiêu truy lùng những quan chức và lãnh đạo tập đoàn kinh tế Trung Quốc có dính líu đến tham nhũng và thu hồi tài sản của họ là một phần của cuộc chiến qui mô lớn do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng nhằm đẩy lùi nạn tham nhũng đã ăn sâu vào bộ máy nước này.
Trong thời gian qua, các nước phương Tây vẫn luôn dè dặt với việc ký kết hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc do lo ngại về vấn đề đối xử ngược đãi với những người phạm tội ở nước này không phù hợp chuẩn mực nhân quyền của phương Tây.
Canada, Mỹ và Úc là những điểm trốn tránh phổ biến nhất của các quan chức Trung Quốc “nhúng chàm”. Các nước này vẫn kêu gọi Trung Quốc tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết nếu muốn bắt giữ và dẫn độ (cựu) quan chức của mình về nước.
Đã xảy ra nhiều trường hợp các biệt đội "săn cáo" của Trung Quốc bị phê phán hành động không theo chuẩn mực quốc tế khi họ đến các nước khác bằng thị thực nhập cảnh du lịch rồi tiến hành hoạt động "nghiệp vụ" bắt giữ người, thậm chí bị tố cáo là o ép để đưa người đó trở về Trung Quốc "trái ý" đương sự. Đối với phương tây đó là kiểu "bắt người trái phép" vi phạm nhân quyền.
Tình hình có vẻ đang xoay chiều phù hợp với mong muốn của Trung Quốc.
Ông Lưu Kiến Siêu, người phụ trách chiến dịch đưa quan chức tham nhũng về nước của Trung Quốc, cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của nước này đòi hỏi sự chung tay của quốc tế nếu muốn thành công.
“Một vài nước phương Tây đã nhấn mạnh rõ rằng họ không muốn trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử tham nhũng. Đây là một thành tựu và cam kết chính trị cực kỳ quan trọng”, ông Lưu phát biểu về cam kết của các nước phương Tây trong loạt phim tài liệu về chống tham nhũng ở Trung Quốc được phát trên sóng truyền hình quốc gia nước này đêm 24-10.
Tuy nhiên, theo Reuters, ông Lưu không đề cập đến phản ứng của Trung Quốc trước những lo ngại của quốc tế về vấn đề đối đãi với các nghi can tham nhũng bị bắt đưa trở về nước.
Hồi đầu tháng 10, chính quyền Bắc Kinh cũng đã công bố những chính sách mới giúp ngăn ngừa tình trạng bức cung, vốn là một vấn đề nhức nhối của hệ thống hành pháp nước này.
Chẳng hạn vào năm 2013, sáu nhân viên an ninh Trung Quốc đã bị buộc tội dìm chết một nghi can trong quá trình hỏi cung, sau khi liên tục nhấn đầu ông này vào một xô nước đá.
“Chúng tôi cần sự ủng hộ của các nước, và các nước khác cũng cần Trung Quốc hỗ trợ trong công cuộc chống tham nhũng của mình. Về vấn đề này, tôi cho rằng đôi bên cùng có lợi”, ông Lưu tự tin tuyên bố.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hồi năm ngoái, ông Lưu cũng cho biết chính quyền Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật săn lùng các nghi can tham nhũng bỏ trốn, sau khi bị các nước khác phàn nàn rằng họ không được nước này thông báo về hoạt động của các "biệt đội" được bí mật cử đi theo dấu các quan chức tham nhũng.
Ngoài những biện pháp cứng rắn, Trung Quốc cũng đang thuyết phục các quan chức tham nhũng nước này tự giác hồi hương để được nhận khoan hồng.
Bộ phim tài liệu phát hôm 24-10 có phát một bài phỏng vấn với Vương Quốc Cường, một lãnh đạo tỉnh đã ra đầu thú năm 2014 sau hai năm lẩn trốn tại Mỹ. Vị này miêu tả cuộc sống khổ sở của ông tại Mỹ khi phải sống trong phập phồng lo sợ bị phát hiện là một người di cư bất hợp pháp.
“Những suy nghĩ đó cứ tái diễn mỗi ngày, điều đó chẳng phải là tuyệt vọng sao?”, ông Vương chia sẻ như một lời cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận