18/10/2016 09:14 GMT+7

Trung Quốc quyết liệt 
với Con đường tơ lụa trên biển

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Mạnh tay xóa nợ cho Campuchia, hay vung tiền cho Bangladesh vay hàng chục tỉ USD cùng các khoản cam kết đầu tư về cơ sở hạ tầng... đều là những bước đi tính toán của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc gồm "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" (trên bộ, phía trên) và "Con đường tơ lụa trên biển" (phía dưới) - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Là một trụ cột trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR), Con đường tơ lụa trên biển (MSR) phản ánh tham vọng vươn tầm của Trung Quốc từ một cường quốc khu vực sang tầm thế giới. Sáng kiến này đang được Bắc Kinh tích cực thúc đẩy sau hai năm “quảng bá” và thực hiện dè chừng vì sự nghi kỵ của các nước, đặc biệt ở châu Á.

Hào phóng với “bạn hữu”

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tại thủ đô Dhaka ngày 14-10, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ Trung Quốc và Bangladesh từ đối tác gần gũi toàn diện lên đối tác chiến lược”.

Chuyến thăm đầu tiên của một vị chủ tịch nước Trung Quốc tới Bangladesh trong vòng 30 năm qua đã mang về cho Dhaka khoản tín dụng trị giá 24 tỉ USD - nhiều nhất từ trước đến nay - để xây dựng cảng biển nước sâu, đường sắt và nhà máy điện.

“Chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc đã chứng kiến những cột mốc mới. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của chúng tôi rất lớn nên chúng tôi cần những khoản vay khổng lồ” - Bộ trưởng Tài chính Bangladesh M.A. Mannan thừa nhận với Hãng tin Reuters.

Trước đó một ngày (13-10), trong chuyến thăm tới Campuchia, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định xóa khoản nợ 90 triệu USD cho Phnom Penh và còn “hào phóng” cho thêm 14 triệu USD viện trợ quân sự hằng năm. Trung Quốc cũng ký với Campuchia hiệp định về viện trợ không hoàn lại cho Phnom Penh 1,2 tỉ nhân dân tệ (178,41 triệu USD) và một khoản vay ưu đãi 400 triệu nhân dân tệ (59,48 triệu USD).

Thực tế sự hào phóng của Trung Quốc đều nằm trong các bước đi dài hơi của nước này. Cả Campuchia và Bangladesh đều nằm trên tuyến đường mà MSR đi qua. Trong đó các cảng biển nước sâu ở Bangladesh được xem là một trong những mắt xích quan trọng trên toàn tuyến. Bắc Kinh từ lâu đặc biệt quan tâm tới việc hồi sinh dự án cảng nước sâu ở Sonadia của Bangladesh, vốn đã bị “ngâm” trong nhiều năm qua.

Thêm vào đó, bản thân hai quốc gia này đều tỏ ra ủng hộ MSR của Trung Quốc. Riêng đối với Bangladesh, sự ủng hộ đó càng có thêm ý nghĩa bởi nước này nằm sát sườn Ấn Độ, đối thủ trong khu vực của Trung Quốc.

Theo giáo sư David Shambaugh thuộc Đại học George Washington (Mỹ), để nhanh chóng tạo hình hài OBOR nói chung và MSR nói riêng, Trung Quốc không ngần ngại đổ cả “núi” tiền.

Cụ thể, Bắc Kinh đã không ngần ngại rót 50 tỉ USD cho Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), 41 tỉ USD cho Ngân hàng Phát triển mới, 40 tỉ USD cho Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và 25 tỉ USD cho MSR. Nước này cũng đã cam kết sẽ đầu tư 1.250 tỉ USD trên toàn thế giới vào năm 2025.

Thực tế trong hai năm qua, Trung Quốc đã xúc tiến và mở rộng ảnh hưởng rất mạnh ở châu Phi. Bắc Kinh đang đầu tư rất nhiều vào các cảng biển đầu mối cho MSR ở châu lục này. Điển hình như cảng Mombasa của Kenya, các cảng Djibouti, Lamu, Mogadishu ở vùng sừng châu Phi. Tại Địa Trung Hải, Bắc Kinh còn mạnh tay chi 624 triệu USD mua hẳn quyền điều hành Piraeus, cảng biển lớn nhất của Hi Lạp và được xem là cửa ngõ vào châu Âu.

Không phải một mình một chợ

Giới chuyên gia phân tích nếu “nắm” được Bangladesh, Trung Quốc sẽ đưa Ấn Độ vào thế gọng kìm từ hai phía. Bắc Kinh hiện vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng song song với việc quản lý cảng nước sâu Gwadar ở Pakistan. Nếu hồi sinh cảng Sonadia ở Bangladesh thành công, hải quân Trung Quốc sẽ có thêm một vị trí chiến lược quan trọng, áp sát Ấn Độ từ bờ phía đông. Bắc Kinh trước đó cũng đã xúc tiến đầu tư gần 2 tỉ USD cho cảng biển nước sâu tại Sri Lanka, quốc đảo nằm ở cực nam của Ấn Độ.

Nhưng thực tế dù có đổ ra cả núi tiền, Bắc Kinh cũng không thể tự tung tự tác. Bị lôi kéo quyết liệt, Bangladesh cũng không hoàn toàn ngã về Trung Quốc. Chính quyền Dhaka còn hoan nghênh cả sự tham gia của Nhật Bản vào các dự án cảng biển và phức hợp điện năng, cũng như tiếp tục nhận các khoản vay ưu đãi từ Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm tới Bangladesh hồi năm ngoái đã cam kết khoản tín dụng trị giá 2 tỉ USD cho Bangladesh.

Xét trên toàn tuyến MSR và OBOR, Trung Quốc không hoàn toàn độc quyền đầu tư vào các hải cảng và trung tâm hậu cần quan trọng.

Quốc gia Georgia đã chọn một nhà thầu của Mỹ để xây dựng cảng nước sâu kết nối với MSR, chứ không phải một tập đoàn Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) do Mỹ dẫn đầu cũng cho Azerbaijan, Kazakhstan vay vốn để xây các con đường xuyên Á - Âu, chứ không phải là AIIB do Trung Quốc chi phối.

Vấn đề cũng không nằm hoàn toàn ở chuyện tiền bạc, chính yếu là ở niềm tin của các nước đối với Trung Quốc. Dù luôn rêu rao MSR sẽ là “chất keo” kết dính các nền kinh tế ven biển và thúc đẩy sự phát triển chung, nhưng nhiều quốc gia tỏ ra nghi ngại trước lời đề nghị của Bắc Kinh. Những quốc gia có ảnh hưởng truyền thống tại các khu vực MSR đi qua như Ấn Độ và Mỹ cũng không hoàn toàn khoanh tay để Trung Quốc giành lấy ảnh hưởng của họ.

Sáng kiến OBOR lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng vào tháng 9-2013 trong chuyến thăm tới Kazakhstan. Tháng 10 cùng năm, ông Tập tiếp tục nêu ra ý tưởng MSR tại Indonesia.

Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh MSR sẽ lấy các cảng biển quan trọng làm đầu mối. Tuyến đường này sẽ xuất phát từ các cảng biển Trung Quốc, trục chính đi qua Biển Đông theo eo biển Malacca, mở nhánh phụ qua Lombok, Sunda (Indonesia) và tiếp tục xuyên Ấn Độ Dương xuống Mombasa của Kenya, rồi đi dọc vùng sừng châu Phi, tiến vào Biển Đỏ và vịnh Aden để tới Đại Tây Dương.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp