Phóng to |
* Ảnh trên: Đông đảo phóng viên quốc tế giơ tay đặt câu hỏi cho các vị chủ tọa tại buổi họp báo quốc tế * Ảnh dưới: Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ĐNa 90152 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Tuổi Trẻ: Trong hơn một tháng qua, Việt Nam kiên trì theo đuổi các biện pháp đối thoại hòa bình với Trung Quốc nhưng không hề có dấu hiệu nào cho thấy họ điều chỉnh hành vi theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam. Vậy Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo để khiến Trung Quốc xuống thang căng thẳng?
- Ông Trần Duy Hải (phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao): Việt Nam đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng nhưng Trung Quốc vẫn leo thang căng thẳng mới. Việt Nam sẽ tiếp tục, kiên trì đấu tranh qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ngoài việc nỗ lực các biện pháp ngoại giao, Việt Nam cũng phải cân nhắc các biện pháp tiếp theo để bảo vệ quyền, lợi ích.
* Tuổi Trẻ: Việt Nam đánh giá thế nào về vai trò cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm tự do, an toàn hàng hải trên biển Đông?
- Ông Trần Duy Hải: Thực tế cộng đồng quốc tế có tiếng nói rất mạnh mẽ. Có lẽ đây là lần đầu tiên có những phản ứng mạnh mẽ như vậy về biển Đông trong nhiều năm trở lại đây. Tôi nghĩ tiếng nói đó có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông cũng như ngăn chặn các hành động leo thang mới của Trung Quốc. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - tại buổi họp báo quốc tế - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Washington Times: Tuần trước có đoàn nghị sĩ cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ thăm Việt Nam. Phía Việt Nam có kỳ vọng Mỹ đóng vai trò thế nào hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền?
- Ông Lê Hải Bình (người phát ngôn Bộ Ngoại giao): Việc duy trì ổn định, an toàn hàng hải là lợi ích, trách nhiệm của các quốc gia liên quan, cả trong và ngoài khu vực. Mỹ là cường quốc của thế giới, của châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian qua, cùng cộng đồng quốc tế, Mỹ đã có tiếng nói nhằm giải quyết căng thẳng ở khu vực. Hi vọng Mỹ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, hành động thiết thực hơn, có tính xây dựng để góp phần bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở khu vực và vào việc giải quyết tranh chấp của khu vực theo luật pháp quốc tế.
* Hãng tin Kyodo (Nhật Bản): Nhóm G7 vừa có tuyên bố lo ngại sâu sắc về tình hình ở biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối việc đòi chủ quyền bằng vũ lực, yêu cầu các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam?
- Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi hoan nghênh nhóm G7 vừa ra tuyên bố này. Chúng tôi tiếp tục mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế có tiếng nói mạnh mẽ, có hành động thiết thực để đóng góp vào hòa bình, an ninh ở khu vực và góp phần thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
* Tuổi Trẻ: Chính phủ, Bộ Ngoại giao có ủng hộ và hỗ trợ cho Hội Nghề cá Đà Nẵng cùng chủ tàu vừa bị đâm chìm kiện tàu Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không?
- Ông Trần Duy Hải: Các vụ kiện quốc tế rất phức tạp. Nếu tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc chỉ là kiện dân sự. Nhưng tàu Trung Quốc hoạt động ở vùng biển Việt Nam không chỉ là dân sự mà liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam nên một vụ kiện như vậy không giải quyết được vấn đề. Chúng ta phải nghiên cứu tất cả giải pháp, nhưng phải chọn giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.
* VTC10: Trung Quốc đã có công hàm lên Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Việt Nam dùng cả tàu vũ trang để quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Trung Quốc. Xin cho biết ý kiến?
- Ông Trần Duy Hải: Nội dung công hàm Trung Quốc lưu hành ở Liên Hiệp Quốc và phát biểu của người phát ngôn Trung Quốc đều có điểm chung là xuyên tạc sự thật. Như các bạn thấy trên video, chúng ta chỉ thấy tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, không có bằng chứng nào cho thấy tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Ngay hành động tàu Trung Quốc cố tình đâm va, tấn công vào tàu Việt Nam cũng được các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc đưa tin công khai. Như vậy Trung Quốc thừa nhận hành động của họ. Việt Nam chỉ có tàu dân sự hoạt động ở khu vực này.
* VOV: Có 30 cuộc đàm phán ở nhiều cấp độ và các cuộc tiếp xúc nhưng Trung Quốc không có động thái xuống thang căng thẳng. Liệu có phải đường dây nóng không hiệu quả, thậm chí có ý kiến nói nó đã chết?
- Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu cả hai bên đều thiện chí, mong muốn giải quyết hòa bình. Việt Nam có nhiều nỗ lực ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhiều lần để đối thoại với Trung Quốc, nhưng nếu thiện chí chỉ đến từ một phía thì đường dây nóng sẽ không đem lại kết quả.
* VNExpress: Có ý kiến nghi ngờ về tuyên bố “trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”. Xin ông bình luận?
- Ông Trần Duy Hải: Việc làm của Trung Quốc ở biển Đông, nhất là vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế bất bình trước các việc làm của Trung Quốc. Có thể thấy chính sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc không phải trên thực tế mà chỉ là lời nói, vì hành động của Trung Quốc ở biển Đông đang đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải của khu vực. Không thể nói đó là nỗ lực hòa bình mà là hành động bạo lực. Cộng đồng quốc tế không thể tin những lời nói suông.
* ÔngTRẦN DUY HẢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia): Lảng tránh đối thoại Đến nay Việt Nam và Trung Quốc đã có trên 30 cuộc trao đổi. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao cách ứng xử của Việt Nam, phê phán hành vi của Trung Quốc. Bất chấp thiện chí của Việt Nam, trên thực địa Trung Quốc leo thang hành động, mở rộng, di chuyển giàn khoan ra vị trí mới. Trung Quốc cũng gia tăng tàu hộ tống, có lúc lên tới 140 tàu, gồm cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ cùng máy bay chiến đấu... Đặc biệt, ngày 26-5 tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan 17 hải lý. Nghiêm trọng hơn, các tàu Trung Quốc còn ngăn cản các tàu Việt Nam đến cứu hộ tàu cá bị đâm chìm. Ngày 23-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần thứ hai có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một lần nữa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống để hai bên tiến hành đàm phán xác định tính pháp lý của khu vực hạ đặt giàn khoan. Ngày 4-6, lần thứ ba Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc với các nội dung tương tự. Nhưng Trung Quốc vẫn lảng tránh, không trả lời công hàm. * ÔngNGÔ NGỌC THU (phó tư lệnh, tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam): Đưa nhiều tàu chiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam Từ khi đưa giàn khoan sang vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên duy trì đội tàu bảo vệ đông đảo, cao điểm lên đến 140 chiếc. Đặc biệt nghiêm trọng, Trung Quốc đưa đến sáu loại tàu chiến hiện đại như tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mìn và tàu đổ bộ. Trung Quốc còn huy động máy bay hoạt động thường xuyên, trong đó có máy bay tuần thám biển, trinh sát, máy bay chiến đấu... Trung Quốc chia các tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam. Khi tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan để yêu cầu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam, lập tức tàu Trung Quốc bao vây hai mạn, sử dụng tàu cơ động cao đâm thẳng vào tàu Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc sử dụng súng bắn nước có công suất lớn phun trực tiếp vào tàu Việt Nam, với áp suất nước cao, gây vỡ kính, hỏng thiết bị trên đài chỉ huy, trên khoang, mặt boong... Tính từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đến nay, tàu Trung Quốc làm hư hỏng 24 tàu của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển. Đó là chưa kể họ dùng máy phát âm tần, đèn pha công suất cao chĩa vào tàu Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ Việt Nam. Sẽ hỗ trợ nếu dân kiện Trao đổi với báo chí sau buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết nếu công dân của Việt Nam kiện Trung Quốc ra quốc tế thì Bộ Ngoại giao nói riêng cùng các bộ ngành có liên quan khác và địa phương sẽ hỗ trợ người dân hết sức để người dân khởi kiện theo đúng các trình tự pháp lý. Trước thông tin cho rằng Trung Quốc chuẩn bị xây dựng giàn khoan thứ hai, ông Bình không xác nhận thông tin này nhưng khẳng định: “Trung Quốc có thể xây dựng 1-2 hoặc 10 cái giàn khoan, điều đó không phải vấn đề. Điều quan trọng là họ mang những giàn khoan đó đi đâu, có vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của chúng ta hay không”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận