Các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển “gạch Mặt trăng” từ một dạng vật liệu có thành phần tương tự như đất trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (HUST) đã sử dụng vật liệu mô phỏng đất trên Mặt trăng được tàu vũ trụ Thường Nga 5 (Chang'e-5) mang về để tạo ra những viên gạch có độ bền gấp ba lần so với gạch đỏ hoặc gạch bê tông thông thường.
Đồng thời, các nhà khoa học đã phát triển một phương án xây dựng khác bằng công nghệ chế tạo đắp lớp, hay còn gọi là công nghệ in 3D, là một quá trình tạo ra vật thể trong không gian 3 chiều, vật liệu sẽ được đắp lên và hình thành dưới sự điều khiển của máy tính.
Họ đã phát minh ra robot in 3D, cho phép xây dựng gạch Mặt trăng.
Để đảm bảo chất lượng và độ bền của vật liệu xây dựng mới, các nhà nghiên cứu cho biết những viên gạch này cần trải qua nhiều thử nghiệm hiệu suất trong điều kiện mô phỏng môi trường khắc nghiệt của Mặt trăng, bao gồm nhiệt độ cực cao và cực thấp, bức xạ vũ trụ và các trận động đất Mặt trăng.
Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc, những viên “gạch Mặt trăng” sẽ được gửi đến trạm vũ trụ của Trung Quốc bằng tàu vũ trụ chở hàng Thần Châu 8 (Tianzhou-8) để kiểm tra hiệu suất cơ học và khả năng chịu nhiệt của chúng, cũng như khả năng chịu được bức xạ vũ trụ.
Viên “gạch Mặt trăng” đầu tiên dự kiến sẽ được gửi trở lại Trái đất vào cuối năm 2025.
Các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng phát minh này sẽ mở ra khả năng xây dựng căn cứ trên Mặt trăng trong tương lai.
Ngày 15-10 vừa qua, Trung Quốc đã công bố chương trình phát triển quốc gia trong trung và dài hạn về khoa học vũ trụ, phác thảo lộ trình phát triển khoa học vũ trụ tại nước này đến năm 2050.
Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế do Trung Quốc khởi xướng sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2 của chương trình từ năm 2028 đến năm 2035.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận