Cảnh sát Trung Quốc áp giải một băng nhóm buôn phụ nữ Myanmar vào Trung Quốc - Ảnh: China Daily |
Hang ổ băng nhóm này ở tỉnh Sơn Đông. Chúng tung người xuống các tỉnh miền nam như Quảng Đông và Quảng Tây để mua phụ nữ có bệnh tâm thần nhẹ trong các gia đình nghèo với giá 3.000 nhân dân tệ (NDT - khoảng 10 triệu đồng Việt Nam). Sau khi đưa “hàng” đến được tỉnh Sơn Đông, chúng bán lại với giá 50.000 - 100.000 NDT mỗi cô.
Chúng thường chiêu dụ các gia đình bán con đi bằng lời hứa sẽ sắp xếp cho con gái của họ được gả vào những gia đình có nền tảng tốt.
Nhốt trong chuồng heo chờ bán
Khi đột nhập hang ổ của băng nhóm này, cảnh sát phát hiện hàng chục phụ nữ độ tuổi 20 - 30 bị nhốt trong chuồng heo để chờ người đến mua. Đối tượng tìm mua những cô gái này là đàn ông nghèo ở nông thôn của tỉnh Sơn Đông và các tỉnh lân cận.
Đường dây trên bị phá vỡ khi cảnh sát đường sắt ở ga xe lửa Quảng Tây phát hiện hai người đàn ông khả nghi đi cùng một phụ nữ có biểu hiện bị tâm thần trên chuyến tàu đi Sơn Đông. Hai tên đó bị bắt và khai ra đường dây.
Nghi can họ Tôn cho biết hắn được giao nhiệm vụ tìm khách hàng ở các vùng núi Sơn Đông và các vùng lân cận có nhu cầu “mua cô dâu”, rồi báo cho chân rết ở Quảng Đông và Quảng Tây tìm mua “hàng”. Chúng đã kiếm được khoảng 600.000 NDT từ dịch vụ buôn “cô dâu tâm thần” trong hai năm qua.
Tờ Tin Tức Bắc Kinh dẫn lời ông Ngô Vĩnh Minh - quan chức thuộc Liên đoàn Khoa học xã hội tỉnh Giang Tây - cho biết những người đàn ông đi mua vợ đều biết cô dâu có bệnh nhưng họ vẫn chấp nhận vì chỉ muốn những người phụ nữ này sinh con cho mình. Ông Ngô nhận định bi kịch này xuất phát từ hiện trạng bất bình đẳng giới tính và khoảng cách giàu nghèo quá lớn trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
Nam nhiều, nữ ít dẫn đến sự bùng nổ “giá cô dâu” ở Trung Quốc. Các khoản chi phí cho một đám cưới truyền thống vượt ngưỡng trang trải của nam giới ở các vùng nghèo nhất nước này. Để cưới được một người vợ bản địa, gia đình cô dâu thường yêu cầu người đàn ông phải có xe hơi và nhà cửa nên rất nhiều đàn ông nông thôn Trung Quốc tìm cách... mua vợ.
Buôn cả phụ nữ Đông Nam Á
Người đàn ông họ Lãm có vai trò môi giới trong đường dây trên thậm chí khai rằng còn rất nhiều đường dây khác ở Trung Quốc vừa buôn người trong nội địa vừa mua phụ nữ từ các nước xung quanh như Campuchia, Myanmar, Philippines và Việt Nam để bán làm vợ cho đàn ông Trung Quốc.
Thị trấn Lâm Kỳ, tỉnh Hà Nam là địa phương nghèo nhất Trung Quốc nhưng nơi đây lại là thị trường môi giới mua bán cô dâu nhộn nhịp nhất nước. Ngành công nghiệp này nở rộ do nhu cầu tìm vợ tăng mạnh từ đàn ông Trung Quốc. Cô dâu được gả bán vào đây đa số là người nước ngoài, phần lớn là người Việt Nam và Myanmar.
Các cư dân ở thị trấn Lâm Kỳ kháo nhau rằng để đưa được một người vợ Việt Nam sang Trung Quốc, họ chỉ mất khoảng 20.000 NDT, chưa bằng một nửa giá mua một cô dâu “có vấn đề tâm thần” người Trung Quốc. Chỉ trong một thị trấn nhỏ heo hút ở vùng núi Hà Nam đã có khoảng 20 cô dâu là người Việt Nam được mua về.
Nhật Báo Trung Quốc cho biết bình quân một năm, cảnh sát nước này giải cứu khoảng 1.300 phụ nữ các nước Đông Nam Á bị lừa bán vào Trung Quốc. Hàng chục phụ nữ từ Việt Nam và Myanmar cho biết họ bị người thân, bạn bè và bạn trai lừa bán sang Trung Quốc làm vợ.
Ông Phùng Cương - giáo sư Trường đại học Chiết Giang - cảnh báo chuyện thực thi luật pháp ở các vùng nông thôn Trung Quốc rất lỏng lẻo, đồng nghĩa với việc hàng ngàn trường hợp phụ nữ bị bán phi pháp đến các khu vực này chưa được phát hiện.
“Không thể thống kê được có bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của bọn buôn người” - giáo sư Phùng cho biết.
Chênh lệch giới tính quá cao Thống kê của Ủy ban Sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc cho biết cứ 100 bé gái được sinh ra thì sẽ có 118 bé trai, cao hơn tỉ lệ 103 bé gái và 107 bé trai của thế giới. Chính sự chênh lệch này đang tạo ra một thị trường buôn phụ nữ khổng lồ ở Trung Quốc. Ông Ngô Vĩnh Minh cho rằng dù biết vi phạm pháp luật nhưng người ta vẫn buôn phụ nữ, vì đây là ngành siêu lợi nhuận và giới chức chính quyền khó mà dẹp được vấn nạn này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận