Khó khăn với ngành sản xuất da giày xuất khẩu dự báo sẽ tiếp diễn nếu thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch COVID-19 như kỳ vọng - Ảnh: T.V.N.
Dữ liệu mới nhất vừa được Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cập nhật hôm 10-10 cho thấy trong 20 thị trường xuất khẩu giày dép lớn hiện nay của Việt Nam, chỉ Trung Quốc và Nga vẫn giữ được mức tăng trưởng nhập dương kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 8-2020, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu giày dép lớn của Việt Nam với 1,37 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Với thị trường Nga, dù kim ngạch xuất khẩu ở mức rất khiêm tốn, khoảng 98 triệu USD, nhưng đây lại là thị trường nhập khẩu không bị "đổ nhào" bởi dịch COVID-19 trong khối các nước Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), có mức tăng tương ứng 2,1%.
Trong khi đó, Anh trở thành thị trường giày dép bị suy giảm nhiều nhất của Việt Nam khi giảm đến 27,4%, kim ngạch chỉ còn 320 triệu USD cho 8 tháng của năm 2020, mức khá thấp nếu so với hai thị trường khác có kim ngạch lớn hơn gần gấp đôi là Nhật với 617 triệu USD nhưng chỉ suy giảm 6,6%, hay Bỉ dù giảm 18,1% nhưng kim ngạch vẫn đạt 615 triệu USD…
Đặc biệt, theo Lefaso, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã phản ánh rõ nét ở hầu khắp các châu lục có sự "hiện diện" giày dép xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoại trừ khu vực châu Á tăng nhẹ 1,6%, tương ứng 2,95 tỉ USD do tình hình đã được kiểm soát tốt, thì EU là thị trường bị giảm mạnh nhất, lên đến 17,5%, thu về khoảng 2,7 tỉ USD; khu vực Bắc Mỹ giảm 9%, chỉ còn 4,19 tỉ USD và Mỹ Latin giảm 13,1%, tương ứng 449 triệu USD.
Lefaso cũng dự báo cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày, túi xách chỉ đạt 19,6 tỉ USD, giảm 11%, trong đó giày dép chỉ còn 16,5 tỉ USD (giảm 10%), túi xách 3,1 tỉ USD (giảm 16%) so với năm 2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận