Cảnh sát cho biết tiềm năng của Kunxun rất lớn - Ảnh: Sinogene
Theo SCMP, cô chó có tên Kunxun, năm nay hai tuổi, đã bắt đầu khóa huấn luyện tại Trung tâm đào tạo chó nghiệp vụ Kunming tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Kunxun là chó cảnh sát đầu tiên của Trung Quốc. Các nhà khoa học đã lấy mẫu ADN từ một cô chó bảy tuổi tên Huahuangma, vốn đã đạt được nhiều thành tích phá án.
Theo Wan Jiusheng, nhà phân tích dự án tại Kunming, từ lúc được đưa tới Kunming, Kunxun thích nghi rất tốt với môi trường mới.
"Cô chó Kunxun rất thân thiện với con người, giao tiếp tốt và có tính cảnh giác cao", Wan cho biết. Ông cũng nói thêm Kunxun không hề sợ bóng tối hay những nơi lạ, có khả năng đánh hơi tuyệt vời và tìm ra đồ ăn bị giấu rất nhanh.
Kunxun đùa giỡn cùng bạn bè - Ảnh: Sinogene
Dự án nhân bản vô tính chó nghiệp vụ được thực hiện bởi Đại học Nông nghiệp Vân Nam và Sinogene, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyên về nhân bản vô tính động vật cho mục đích thương mại.
Để Kunxun được ra đời, các nhà khoa học phải tách chiết ADN từ chó mẹ Huahuangma và gửi đến phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh. Bằng cách sử dụng trứng từ một con chó khác, phôi thai hình thành và được cấy vào một con chó được chọn để mang thai.
"Để ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện khả năng sống sót, chúng tôi đã tiến hành mổ đẻ" - Liu Xiaojuan, kỹ sư tại Sinogene, cho biết.
Cảnh sát mong muốn thành lập một đội chó nghiệp vụ nhân bản vô tính - Ảnh: Sinogene
"Việc tìm kiếm một chó mẹ cho ADN thích hợp như Huahuangma phải mất hàng năm trời, đó là trường hợp 1/1000" - Liu cho biết, khẳng định nhân bản vô tính là cách gìn giữ gene tốt nhất, tốt hơn sinh sản tự nhiên.
Dự án có tham vọng thiết lập một đội chó nghiệp vụ siêu việt được nhân giống từ chó nghiệp vụ có thành tích cao.
Nếu huấn luyện cơ bản tốt, Kunxun sẽ được huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ - Ảnh: Sinogene
"Hiện tại, nhân giống chó nghiệp vụ vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm. Chúng tôi hi vọng trong mười năm tới, công nghệ này sẽ cho phép nhân giống hàng loạt", nhà phân tích Wan kỳ vọng.
Kunxun hiện đang được tập luyện cơ bản và sau sáu tháng, cô sẽ được cho vào "trường đại học cho chó" để huấn luyện đặc biệt về nghiệp vụ phát hiện ma túy, tìm chứng cứ quan trọng.
Bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới ra mắt chó nghiệp vụ nhân bản vô tính vào năm 2007.
Việc nhân giống vô tính động vật đang trở nên phổ biến tại Trung Quốc, cả cho mục đích nghiên cứu và mục đích thương mại. Gần nhất, Trung Quốc nhân giống 5 chú khỉ chỉnh sửa gene để thử nghiệm thuốc thần kinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận