Số mực khô của ngư dân huyện Núi Thành chất thành đống vì thương lái không đến mua - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo các cơ quan chức năng, do phía Trung Quốc - thị trường duy nhất nhập khẩu loại sản phẩm này - đã siết lại chính sách nhập khẩu, yêu cầu sản phẩm phải được nhập chính ngạch có truy xuất nguồn gốc, trong khi các đầu mối xuất khẩu VN vẫn chưa thay đổi dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng.
Mực ứ đọng, tàu nằm bờ
Đầu tháng 6 vừa qua, tàu câu mực mang số hiệu QNa-90749 cập cảng cá An Hòa và cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, Quảng Nam) với 25 tấn mực xà khô.
Thế nhưng, chưa kịp mừng vì chuyến biển trúng đậm, cả chủ tàu và thuyền viên đều "choáng váng" vì thương lái từ chối mua với lý do "không xuất khẩu được". Theo ông Huỳnh Quốc Việt (xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực này, số mực khô này hiện đang chất trong khoang tàu.
"Không bán được hàng, lấy đâu ra chi phí cho chuyến biển tới nên các thuyền viên trên tàu rất lo lắng như ngồi trên đống lửa" - ông Việt nói.
Tương tự, tàu câu mực mang số hiệu QNa-91568 của ngư dân Đặng Tấn Hội (49 tuổi, xã Tam Giang) cập bờ hơn nửa tháng nay với 15 tấn mực xà khô đánh bắt được nhưng đến nay vẫn còn để trong bao dưới khoang tàu do không tìm được người mua.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành, chỉ riêng địa phương này hiện đang ứ đọng gần 1.000 tấn mực khô do không xuất khẩu được, khoảng 50 chiếc tàu phải nằm bờ khiến ngư dân rơi vào tình cảnh khó khăn.
Tại cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - thủ phủ câu mực của Quảng Ngãi, nhiều tàu câu mực cũng lâm vào cảnh nằm bờ do hàng trăm tấn mực đánh bắt về không bán được. Không chỉ chủ tàu, nhiều thương lái cũng "mắc kẹt" với hàng trăm tấn mực đã thu mua nhưng không xuất được.
Phải thay đổi cách làm ăn
Theo bà T. - chủ một cơ sở thu mua mực xà khô ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, cơ sở bà đang ứ đọng gần 100 tấn mực, thời gian qua loại mực xà này chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Thế nhưng gần đây, sau khi Trung Quốc siết lại chính sách nhập hàng, việc xuất khẩu tiểu ngạch qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) gặp khó, trong khi số mực này cũng không thể xuất theo đường chính ngạch vì không có dán tem, truy xuất nguồn gốc theo quy định mới của phía Trung Quốc.
Ông Ngô Tấn - phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam - thừa nhận việc Trung Quốc siết lại hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch, quy định phải nhập chính ngạch với nhiều loại hàng hóa, có dán tem và truy xuất nguồn gốc, đã được Bộ Công thương cảnh báo trước đó.
Tuy nhiên, các đầu mối xuất khẩu tại địa phương chưa chủ động để ứng phó, bởi phần lớn đầu mối xuất khẩu là tư nhân nhỏ chứ chưa có doanh nghiệp lớn tham gia.
Cũng theo ông Tấn, ngoài việc yêu cầu ngư dân bảo quản tốt sản phẩm mực khô chưa bán được, các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho các đầu nậu ở địa phương trở thành doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm theo con đường chính ngạch.
Địa phương cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp thủy sản, khuyến khích ký hợp đồng thu mua với ngư dân, thực hiện truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch. "Ngư dân cũng phải thay đổi, phải làm ăn một cách bài bản để hàng hóa có thể xuất bằng đường chính ngạch", ông Tấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận