23/02/2024 10:14 GMT+7

Trung Quốc muốn khai thác tài nguyên dữ liệu số

Chỉ vài tháng sau khi thành lập Cục Dữ liệu quốc gia (NDA), Trung Quốc triển khai ngay một đợt khảo sát tài nguyên dữ liệu quy mô toàn quốc - động thái cho thấy sự tập trung ngày càng tăng của nước này vào dữ liệu lớn.

Khách tham quan xem các hình đại diện (avatar) kỹ thuật số tương tác trong Hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm 2022 ở Bắc Kinh - Ảnh: CHINA DAILY

Khách tham quan xem các hình đại diện (avatar) kỹ thuật số tương tác trong Hội chợ thương mại dịch vụ quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) năm 2022 ở Bắc Kinh - Ảnh: CHINA DAILY

Cuộc khảo sát tài nguyên dữ liệu trên toàn quốc đầu tiên của Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-2 đến 5-3. Tất cả các đơn vị liên quan, từ những công ty trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến các cơ quan công an, đều được yêu cầu cung cấp thông tin về "tài sản" dữ liệu của họ.

Vì sao khảo sát?

Theo thông báo đầu tuần này của NDA, Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin và Bộ Công an Trung Quốc, cuộc khảo sát sẽ hỏi các đơn vị liên quan về cách thức họ sản xuất, lưu trữ, lưu hành, trao đổi, phát triển, sử dụng và bảo mật dữ liệu.

Những đơn vị được yêu cầu tham gia khảo sát gồm các cơ quan quản lý dữ liệu cấp tỉnh, công an tỉnh, các cơ quan công nghiệp và công nghệ thông tin, nhà sản xuất thiết bị lưu trữ và thu thập dữ liệu quan trọng, các nền tảng Internet tiêu dùng, các nền tảng Internet công nghiệp, các công ty công nghệ AI và dữ liệu lớn, các phòng thí nghiệm quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước... và Trung tâm Thông tin quốc gia Trung Quốc.

Họ sẽ phải điền vào bảng câu hỏi trực tuyến và nộp trước ngày 5-3. Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một chuyên gia chỉ ra việc yêu cầu cả dữ liệu của công an cho thấy cuộc khảo sát này nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - những người đang thúc đẩy số hóa, một phần trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ.

Trong khảo sát, các cơ quan công an cấp tỉnh sẽ phải nêu rõ có bao nhiêu "hệ thống quan trọng" và "cơ sở hạ tầng quan trọng" đã xử lý những "dữ liệu quan trọng" của họ trong hai năm qua. Họ cũng sẽ được hỏi có bao nhiêu vụ bảo mật dữ liệu đã xử lý trong năm 2022 và 2023.

Trong khi đó, các nhà khai thác viễn thông sẽ phải cung cấp tên và lĩnh vực kinh doanh của những thực thể nước ngoài đã truy cập 10 trang web và ứng dụng hàng đầu ở Trung Quốc trong hai năm qua. Họ cũng sẽ được hỏi về lượng truy cập trong hai năm 2022 và 2023.

Các nền tảng Internet và công ty công nghệ cũng phải cung cấp thông tin về lưu lượng truy cập, người dùng và máy chủ, đồng thời cho biết họ có sử dụng AI trong phân tích dữ liệu và các lĩnh vực khác không.

NDA cho biết cuộc khảo sát nhằm "cung cấp sự hỗ trợ về dữ liệu cho việc hoạch định chính sách trong tương lai và thiết lập các khu trình diễn ứng dụng dữ liệu (sử dụng dữ liệu để chứng minh về các ứng dụng thực tiễn và lợi ích của các công nghệ hay giải pháp hoạt động nhờ dữ liệu)".

Theo Thời báo Hoàn Cầu, đây cũng là nỗ lực phối hợp nhằm khai thác giá trị ngày càng tăng của tài nguyên dữ liệu và đẩy nhanh sự phát triển của kinh tế số. Liu Dingding, một nhà quan sát kỳ cựu trong ngành Internet, nói dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên cốt lõi và là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Vị này lưu ý kinh tế số đã thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống ở Trung Quốc, phục vụ sự phát triển của kinh tế quốc gia. Kinh tế số có thể kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ kỹ thuật số, chẳng hạn điện toán đám mây, với tài nguyên dữ liệu là trung tâm của động lực mới này.

Dữ liệu: tài nguyên chiến lược

Dữ liệu được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình tiến tới "Trung Quốc kỹ thuật số" (digital China). Tháng 10-2023, Trung Quốc đã thành lập NDA để giám sát việc quản lý dữ liệu trong bối cảnh quốc gia này tìm cách nâng cao chuỗi giá trị công nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ Trung Quốc đã giao cho NDA một số chức năng rất quan trọng, bao gồm điều phối xây dựng "Trung Quốc kỹ thuật số" và phát triển kinh tế số, thúc đẩy thị trường hóa và giá trị của các yếu tố dữ liệu, đồng thời trở thành động lực mới cho phát triển kinh tế và xã hội.

Trong kế hoạch ba năm được công bố vào cuối năm ngoái, NDA đặt mục tiêu đạt được mức tăng trưởng hằng năm hơn 20% cho ngành dữ liệu vào năm 2026 và tăng gấp đôi số giao dịch dữ liệu. Theo kế hoạch này, Trung Quốc cũng sẽ có hơn 300 ứng dụng dữ liệu "điển hình", một số khu trình diễn ứng dụng dữ liệu và một loạt nhà cung cấp dữ liệu "sáng tạo, có ảnh hưởng" vào năm 2026.

Báo SCMP dẫn lời một nhà nghiên cứu giấu tên tại ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) chỉ ra một trong những nhiệm vụ chính của NDA là "tích hợp các nguồn dữ liệu khổng lồ do nhiều loại thực thể khác nhau sở hữu".

Guo Mingjun, một quan chức cấp cao tại Trung tâm Thông tin quốc gia Trung Quốc, nhận định dữ liệu là nguồn tài nguyên chiến lược cơ bản trong kỷ nguyên kinh tế số.

8,1 zettabyte dữ liệu

Theo CAC, Trung Quốc đã tạo ra khoảng 8,1 zettabyte dữ liệu (1 zettabyte tương đương khoảng 250 tỉ chiếc đĩa DVD) vào năm 2022, lượng dữ liệu có thể lấp đầy hơn 8 tỉ chiếc máy tính cao cấp, chỉ sau Mỹ. Giá trị kinh tế số của Trung Quốc đạt 50.200 tỉ nhân dân tệ (6.980 tỉ USD) vào năm 2022, chiếm 41,5% GDP.

Dân số giảm, hàng triệu giáo viên Trung Quốc có nguy cơ mất việcDân số giảm, hàng triệu giáo viên Trung Quốc có nguy cơ mất việc

Nghề giáo viên tưởng chừng ổn định bậc nhất ở Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ do tỉ lệ sinh giảm, khiến hàng triệu người có thể mất việc trong 10 năm tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp