Ngoại trưởng Singapore gặp Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 31-3- Ảnh: BNG Trung Quốc
"Những hành động của Trung Quốc nhằm nhấn mạnh với chính quyền ông Biden rằng Bắc Kinh sẽ không cúi đầu trước áp lực của Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của Washington ở Biển Đông.
TS Collin Koh Swee Lean (Viện quốc phòng và nghiên cứu chiến lược, Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore)
Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) đưa tin Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu các đợt tập trận ở Biển Đông từ ngày 1-4, đúng ngày kỷ niệm 20 năm cái chết của một phi công trong vụ va chạm giữa tiêm kích Trung Quốc với một máy bay do thám của Mỹ.
Tiếp tục bao biện
Cuộc tập trận này được tổ chức trong khu vực 5km xung quanh bán đảo Lôi Châu, cực nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc và kéo dài tới hết tháng 4. Cục Hải sự Trung Quốc hôm 31-3 cũng ra thông báo cấm tàu thuyền di chuyển vào vùng tập trận.
Điểm dễ thấy là truyền thông Trung Quốc khẳng định cư dân mạng nước này đang lan truyền những câu chuyện tưởng niệm vụ va chạm máy bay nêu trên. Tờ Global Times trong bài viết ngày 1-4 về cuộc tập trận cũng mô tả hoạt động quân sự này được diễn ra trong không khí của câu chuyện 20 năm trước.
Đặc biệt, tờ báo này cũng dẫn lại bài viết của Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI, trụ sở Bắc Kinh) ngày 1-4, chỉ ra rằng đây là vấn đề không mới trong bối cảnh Mỹ tiếp tục tăng cường các hoạt động do thám gần Trung Quốc đồng nghĩa "nguy cơ về sự cố tương tự đang tăng cao".
Chuyện Trung Quốc mượn những hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ cũng như các nước khác để bao biện cho các động thái quân sự ở Biển Đông là điều không mới mẻ gì. Câu chuyện lần này cũng chỉ là lớp kem trên chiếc bánh.
Cuộc tập trận tháng 4 này nối tiếp một cuộc tập trận ngay trước đó cũng kéo dài hết tháng 3 của PLA. Từ ngày 1-3, PLA cũng chọn đúng khu vực bán kính 5km phía tây bán đảo Lôi Châu để tập trận, như một phần trong kế hoạch tăng cường những cuộc diễn tập tác chiến nhằm giúp quân đội Trung Quốc đáp ứng "những yêu cầu của chiến tranh hiện đại".
Gặp từng người, nói từng chuyện
Trung Quốc thông báo về việc tập trận này ngay trong lúc Bắc Kinh đón bốn ngoại trưởng các nước Đông Nam Á, trong đó có Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin.
Sự chú ý đã dồn rất nhiều vào ông Locsin vì Philippines đang tố tàu dân quân biển Trung Quốc hiện diện đông đảo ở khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mới trước đó vào ngày 31-3, Manila còn kêu gọi Bắc Kinh "rút ngay lập tức" nhóm tàu dân quân mà Trung Quốc gọi là "tàu cá".
Sự kiện ở đá Ba Đầu trở thành tâm điểm về vấn đề Biển Đông trong thời gian qua. Một số học giả lo ngại Trung Quốc có thể biến khu vực này thành một vụ Scarborough thứ hai, nghĩa là Trung Quốc có khả năng âm mưu chiếm quyền kiểm soát khu vực này.
Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc lúc này theo kịch bản trên đều khiến Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể khoanh tay, đặc biệt khi ASEAN và Trung Quốc cần giữ bầu không khí tôn trọng, tạo điều kiện đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tuy nhiên, không có một tình huống khó xử nào diễn ra và càng không có hình ảnh "ASEAN trao đổi với Trung Quốc". Tại Phúc Kiến, Trung Quốc không gặp bốn ngoại trưởng ASEAN cùng lúc mà xếp lịch riêng lẻ.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 31-3. Một ngày sau, ông Vương Nghị tiếp Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein. Sáng 2-4, ông Vương tiếp Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, còn cuộc gặp với ông Locsin của Philippines được lên lịch vào chiều cùng ngày.
Bình luận trên South China Morning Post, học giả Philippines Jay Batongbacal cho rằng Trung Quốc muốn làm êm dịu tình hình đá Ba Đầu càng sớm càng tốt vì đây là vụ việc tương phản sâu sắc tới hình ảnh mà Bắc Kinh đang cố bảo vệ: một đối tác hữu ích và có thể tin tưởng.
"Ông Vương Nghị có lẽ muốn được ông Locsin đảm bảo rằng vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh gọn và êm đềm nhất có thể, như thế các tương tác ưu tiên hơn giữa hai nước sẽ được nhấn mạnh, ví dụ hợp tác liên quan COVID-19.
Ông Locsin, mặt khác, lại cần một nỗ lực đáng tin từ phía Trung Quốc về việc rút nhóm tàu trên" - ông Batongbacal nói.
Philippines tính đưa tàu đồn trú đá Ba Đầu
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN Philippines đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tiết lộ Philippines đang cân nhắc đưa tàu tới neo đậu gần đá Ba Đầu để canh chừng Trung Quốc.
Theo ông Lorenzana, nếu Manila triển khai tàu đồn trú tại cụm Sinh Tồn, đó chắc chắn sẽ là tàu của lực lượng tuần duyên hoặc cơ quan bảo vệ nghề cá Philippines. "Nếu đưa tàu hải quân, chúng ta sẽ bị nói là khiêu khích hoặc đang quân sự hóa khu vực" - ông Lorenzana giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận