Căn cứ hải ngoại đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti nằm rất gần các căn cứ của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản - Ảnh: TWITTER
Tờ Forbes nhận định, với việc cơi nới căn cứ hải ngoại đầu tiên tại Djibouti, Trung Quốc đang muốn tăng tầm ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và Trung Đông.
Các hình ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 3 cho thấy việc xây dựng căn cứ vẫn đang được tiến hành sau 3 năm mở cửa. Diện tích căn cứ "xa bờ" của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng bằng các công trình lấn biển trong các bức ảnh mới nhất.
Đáng chú ý, ngay bên cạnh cầu cảng dài 340m đã hoàn thành vào năm ngoái, Trung Quốc đang xây dựng một công trình dường như là cầu cảng mới. Nếu điều này là chính xác, Trung Quốc có thể tăng gấp đôi số tàu chiến neo đậu tại căn cứ.
Chỉ riêng cầu cảng hoàn thành năm 2019 đã đủ sức tiếp nhận tàu sân bay và các tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, cầu cảng này cũng có thể làm nơi neo đậu cho 4 tàu ngầm tấn công của Bắc Kinh.
Theo phân tích của Forbes, khác với các căn cứ hải quân khác ở Trung Quốc, không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ đào các đường hầm bảo vệ tàu ngầm ở căn cứ Djibouti. Tuy nhiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách bảo vệ các tài sản quý giá này.
Djibouti là quốc gia sở hữu các cảng biển chiến lược nằm trên cửa Biển Đỏ, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận với Biển Ả Rập, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Nhiều tàu tham gia các nhiệm vụ chống cướp biển và bảo vệ tàu chở dầu thường cập cảng Djibouti để nhận tiếp tế, thay người.
Trung Quốc lập luận, căn cứ ở Djibouti chỉ là cơ sở hậu cần cho các tàu chiến làm nhiệm vụ chống cướp biển. Căn cứ này cách Trại Lemonnier của quân đội Mỹ chỉ 11km, và cách cảng chính của Djibouti chưa đầy 8km, nơi tàu chiến các nước châu Âu thường ghé thăm.
Hồi năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gởi công hàm khiếu nại tới Chính phủ Trung Quốc, sau khi các phi công Mỹ bị binh lính Trung Quốc ở Djibouti chiếu đèn laser khiến 2 người bị thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận