27/12/2018 12:51 GMT+7

Trung Quốc lại xử công dân Canada, nguy cơ đối đầu kéo dài

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Trung Quốc tiếp tục hâm nóng căng thẳng với Canada, giữa lúc Bắc Kinh có nguy cơ rơi vào thế đối đầu với cả Anh, Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU).

Trung Quốc lại xử công dân Canada, nguy cơ đối đầu kéo dài - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh - Ảnh: REUTERS

Tòa án tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) ngày 26-12 tuyên bố sẽ xét xử tội danh buôn ma túy đối với ông Robert Lloyd Schellenberg.

Cổng thông tin thành phố Đại Liên cuối ngày xác nhận ông Schellenberg là một công dân Canada.

Vụ bắt giữ này trở nên đặc biệt nhạy cảm vì nó lại dính tới mối quan hệ đang căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, sau khi nữ giám đốc tài chính đồng thời là con gái của nhà sáng lập công ty Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Châu bị bắt đầu tháng này.

Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu từ phía Mỹ. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh chỉ tập trung vào Ottawa thay vì đề cập tới Washington. Trung Quốc cũng đã bắt 3 công dân Canada, trong một động thái được giới quan sát đánh giá là nhằm trả đũa Canada.

Sau thời gian chịu áp lực vì không đưa ra đối sách nào cụ thể, chính quyền Canada bắt đầu hành động.

Ngoại trưởng Chrystia Freeland cuối tuần trước nói thẳng rằng Ottawa đang triển khai chiến dịch kêu gọi ủng hộ trên toàn cầu, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thả người.

Hiện Trung Quốc đang bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân đang làm việc tại Trung Quốc Michael Spavor. Hai người này bị cáo buộc có hành động "gây nguy hiểm cho an ninh Trung Quốc".

Người thứ ba là một phụ nữ có tên Sarah McIver, đang bị giữ và xem xét trục xuất vì làm việc không giấy phép ở Trung Quốc.

Lời "kêu cứu" của Canada có vẻ đang tạo hiệu ứng tích cực cho nước này. Pháp là nước mới nhất lên tiếng ủng hộ Canada.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes von der Muhll ngày 24-12 nói: "Chúng tôi lo ngại về việc bắt giữ hai công dân Canada tại Trung Quốc, không lâu sau vụ bắt bà Mạnh Vãn Châu. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc đảm bảo họ xử lý trường hợp này công bằng và minh bạch, đồng thời đảm bảo quyền tự bảo vệ chính đáng của họ".

Phát biểu này cho thấy hai điểm. Trước hết, Pháp cũng như các bên khác đã ngầm khẳng định sự kiện Trung Quốc bắt người là có chủ đích, và nói thẳng là kiểu "giữ con tin" để trả đũa Canada. Thứ hai, Trung Quốc không hành xử minh bạch.

Theo nguồn thạo tin của Reuters, trong lúc bà Mạnh được toàn quyền tiếp cận luật sư cũng như trao đổi với gia đình, thì ông Kovrig bị từ chối có đại diện pháp lý, không được phép gặp gia đình và bị giới hạn quyền được tư vấn.

Trước những sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh có những lập luận phản biện đáng chú ý. Trong đó, bà Hoa cho biết Bắc Kinh thể hiện sự không hài lòng và kiên quyết bác bỏ những bình luận của Canada, Mỹ và các nước khác liên quan tới việc bắt giữ các công dân Canada.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bà Hoa nói: "Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan nghiêm túc tôn trọng quyền tự chủ về tư pháp của Trung Quốc. Có chuyện gì đã xảy ra liên can tới Anh và EU? Khi người Canada tiến hành bắt giữ phi pháp giám đốc cấp cao của một công ty Trung Quốc theo yêu cầu từ Mỹ, thì họ đã ở đâu cơ chứ? Cái họ gọi là nhân quyền lại có những tiêu chuẩn khác đối với công dân của các quốc gia khác nhau".

Nữ phát ngôn viên này, như vậy, đã đặt dấu hỏi về động cơ của EU và Anh cũng như một số nước lên tiếng ủng hộ Canada. Đồng thời, bà cũng cho rằng phương Tây đang áp "tiêu chuẩn kép" về nhân quyền lên Trung Quốc.

Dù sao đi nữa, những lập luận của bà Hoa vừa qua cũng tạo ra cảm giác Trung Quốc đang đối đầu với không chỉ là Canada, mà giờ là cả EU.

Trong vụ bắt Kovrig, một điểm đặc biệt là người này cũng có quốc tịch Hungary, đồng nghĩa ông cũng là một công dân EU. Điều đó có thể là cách phía EU có cớ để phản đối Trung Quốc, thay vì bị nhận xét đang "hùa" theo Mỹ hay Canada để đối đầu Bắc Kinh. Nói cách khác, việc trả đũa Canada bằng ông Kovrig có thể là một nước cờ sai lầm.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang căng thẳng với Mỹ ở vấn đề thương mại, câu chuyện ngoại giao này có vẻ đang khiến Bắc Kinh có thêm kẻ thù.

Đây là điểm đáng chú ý, khi CNBC tuần trước có bài viết cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm được điều mà chính quyền tiền nhiệm chưa chứng kiến: hình thành một liên minh công kích Trung Quốc.

Song song với việc bắt bà Mạnh, Bộ Tư pháp Mỹ gần đây cũng truy tố hai công dân Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật kinh doanh thông qua các cuộc tấn công mạng.

Gần như cùng lúc, Anh, Úc, New Zealand và Canada cũng nhập cuộc và lần đầu tiên chỉ đích danh Bắc Kinh, thay vì trước đây thường đề cập tên một số công ty Trung Quốc.

Trung Quốc bác bỏ yêu cầu thả hai công dân Canada

TTO - Chính quyền Trung Quốc vừa tuyên bố kiên quyết phản đối yêu cầu của Mỹ và Canada về việc thả hai công dân Canada bị bắt, đồng thời lên án Anh và EU “đạo đức giả” trong sự việc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp