18/10/2015 08:08 GMT+7

Trung Quốc lại vòng vo tại Diễn đàn Hương Sơn lần 6

THU ANH - QUỲNH TRUNG - MỸ LOAN
THU ANH - QUỲNH TRUNG - MỸ LOAN

TT - Hôm qua, đại diện Trung Quốc lại vòng vo, không đi thẳng vào bản chất của vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Hương Sơn về hành động khiến các nước láng giềng cũng như dư luận quốc tế quan ngại.

Đại tướng Phùng Quang Thanh trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 (Ảnh: Bảo Trung)
Đại tướng Phùng Quang Thanh trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 - Ảnh: Bảo Trung

Đó là việc Trung Quốc tăng cường xây dựng đảo phi pháp ở Biển Đông.

Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long luôn miệng nhắc lại những điều mà Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố về cam kết “gìn giữ hòa bình và sẽ không hạn chế tự do hàng hải, cũng như không sử dụng vũ lực trong khu vực”.

Song giới chuyên gia ngay lập tức phản ứng rằng Bắc Kinh chưa bao giờ thực hiện đúng những cam kết này và luôn áp đặt quan điểm đơn phương của họ tại các diễn đàn quốc tế.

Lại nói suông

Ông Phạm một lần nữa nói: “Trung Quốc sẽ không bao giờ liều lĩnh dùng vũ lực ở Biển Đông và Bắc Kinh đã tìm cách tránh xung đột”, trong bối cảnh những căng thẳng đang leo thang xuất phát từ việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở khu vực này.

Song ngay sau đó, chính tướng Phạm lặp lại rằng các đảo do Trung Quốc xây dựng sẽ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở Biển Đông. Biện hộ rằng những công trình hải đăng mà Trung Quốc xây dựng gần đây ở đá Châu Viên và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam “đã bắt đầu cung cấp các dịch vụ hàng hải cho tất cả quốc gia”, đồng thời ông Phạm bác bỏ những quan ngại cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách củng cố kiểm soát khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Ngay sau đó, cựu chỉ huy các chiến dịch hải quân của Mỹ Gary Roughead nói rằng quy mô các cảng và đường băng sân bay do Trung Quốc xây dựng ở đây đang dấy lên các quan ngại chính đáng từ cộng đồng khu vực lẫn quốc tế.

Còn chuyên gia quân sự Kim Fassler, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đã nhấn mạnh Trung Quốc tốt nhất nên để Diễn đàn Hương Sơn giữ được bản chất là “một cuộc đàm luận thẳng thắn từ hai chiều, thay vì cứ một mực áp đặt quan điểm đơn phương của mình”.

Sáng kiến không thực tế

Giới phân tích nhận định Bắc Kinh đang hi vọng “Sáng kiến tập trận chung với các nước ASEAN ở Biển Đông” mà đại diện nước này đưa ra hôm 16-10 có thể thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á không ủng hộ kế hoạch tiến vào vùng biển này của Washington.

Bởi động thái này của Trung Quốc cũng diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố sẽ đưa tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 17-10, giáo sư Zach Abuza thuộc Học viện Chiến tranh quốc gia của Mỹ nhận định Trung Quốc đưa ra đề nghị này bởi các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông do hải quân Mỹ đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

“Họ đang cố nói rằng chúng tôi muốn hợp tác quân sự, trong khi những hành động của Mỹ là kích động các cuộc đối đầu quân sự. Trung Quốc luôn có sách lược đưa mọi thứ đi xa nhất có thể rồi sau đó lùi lại. Họ cứ xem ASEAN như con rối để mặc sức thao túng” - giáo sư Abuza nói.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng thực chất của sáng kiến này không mang tính đột phá và “Bắc Kinh chỉ làm ra vẻ là một bên có trách nhiệm ở vùng biển này”.

Theo The Diplomat, Trung Quốc muốn ra vẻ là quốc gia có trách nhiệm với ý đồ muốn dẹp bỏ những quan ngại của ASEAN về những bất ổn, trong bối cảnh Bắc Kinh ráo riết bồi đắp các đảo nhân tạo.

Nhìn chung, đây là một biểu hiện khác của chiến lược “Không ngừng đòi hỏi” phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc, nơi mà Bắc Kinh thường đưa ra “các cử chỉ hòa giải nho nhỏ” một cách định kỳ nhằm mục đích phân tán sự chú ý của cộng đồng khu vực và quốc tế, để họ phân nhánh xa hơn các hành vi gây bất ổn của mình. Một số ý kiến chuyên gia nhấn mạnh “ngay cả khi đề xuất cuộc tập trận chung, Trung Quốc vẫn nhắm đến việc tiếp tục kế hoạch xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo”.

Giới quan sát chuyên theo dõi quan hệ ASEAN - Trung Quốc biết rằng trong vòng ba năm qua, Bắc Kinh đã đưa ra một danh sách dài các sáng kiến để tăng cường quan hệ với khu vực. Tuy nhiên, phần lớn sáng kiến chỉ là sáng kiến nhưng không có tính thực tế.

Trung Quốc đang muốn xoa dịu ASEAN

* Tiến sĩ Zach Abuza (giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia, Mỹ):

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn nói có thể có những cuộc diễn tập chung về cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ thảm họa... Nhưng điều này có nghĩa lý gì khi mà ông ấy vẫn không nhượng bộ bất cứ điều gì về “đường lưỡi bò” ngớ ngẩn và phi lý mà Bắc Kinh tự vạch ra ở Biển Đông. Ông ấy cũng không có cam kết ngừng xây dựng đảo nhân tạo. Ông ấy cũng không hứa hẹn ngừng tấn công và làm đắm các tàu cá, đặc biệt là các tàu của Việt Nam - vốn không phải là tàu vũ trang sử dụng cho mục đích thực thi pháp luật.

Ông Lê Hồng Hiệp (nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore):

Đây có thể là động thái xoa dịu của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á, nhất là các nước trực tiếp tham gia tranh chấp Biển Đông, với mục đích gửi thông điệp về một Trung Quốc hòa bình, hợp tác, luôn nỗ lực vì mục đích chung. Đó cũng có thể là một động thái nhằm cân bằng lại ảnh hưởng của Mỹ, nhất là khi gần đây Mỹ cũng có các hoạt động diễn tập, hợp tác quân sự với một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia...

THU ANH - QUỲNH TRUNG - MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp