Đặc phái viên Marshall Billingslea của Mỹ ngày 22-6 đăng lên Twitter ảnh cờ Trung Quốc được đặt trên bàn sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán - Ảnh chụp màn hình
Hôm 22-6, Mỹ và Nga đã mở cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) để thảo luận về việc gia hạn New START - một hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và dự kiến hết hạn vào đầu tháng 2-2021.
Trước đó, Mỹ mong muốn Trung Quốc cũng tham gia cuộc đàm phán này. Ông Marshall Billingslea - đặc phái viên của Mỹ về kiểm soát vũ khí, hồi đầu tháng 6 tung tin ra dư luận: "Trung Quốc nói rằng họ không có ý định tham gia đàm phán ba bên. Họ nên cân nhắc lại... Đợi Trung Quốc tại Vienna!".
Và khi ngày ngày đàm phán đã đến, Trung Quốc vẫn vắng mặt. Phía Mỹ ngay lập tức có hành động đối phó.
Theo báo Kommersant của Nga, ngay khi bắt đầu cuộc đàm phán ở Vienna ngày 22-6, phía Mỹ đã đặt cờ của Trung Quốc lên trên bàn đàm phán bên cạnh những chiếc ghế trống nhằm gây sức ép lên Trung Quốc vì từ chối tham gia.
Các nhà ngoại giao Mỹ sau đó chụp lại cảnh này và đăng lên mạng xã hội để cho thấy sự vắng mặt của Trung Quốc. Đặc phái viên Marshall Billingslea đăng ảnh này lên Twitter và tuyên bố rằng "Trung Quốc bỏ chỗ".
"Cuộc đàm phán Vienna sắp bắt đầu. (Nhưng) Trung Quốc bỏ chỗ. Bắc Kinh vẫn còn đang trốn tránh phía sau 'trường thành bí mật' về xây dựng hạt nhân và rất nhiều thứ khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục với Nga" - ông Marshall Billingslea viết trên Twitter.
Cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Nga ngày 22-6. Phía Nga đã không đồng ý về việc đặt cờ Trung Quốc tại sự kiện này và hình ảnh được các nhà ngoại giao Nga đăng lên không cho thấy cờ Trung Quốc - Ảnh: Russian Mission Vienna/Twitter
Ngay sau bài đăng của ông Marshall Billingslea, nhà báo Trần Vệ Hoa (Chen Wei Hua) của báo China Daily (Trung Quốc) đã phản pháo rằng nước Mỹ liên tục từ bỏ các hiệp ước và không còn đáng tin nữa. Ông viết thêm trên Twitter: "Trung Quốc có 300 đầu đạn hạt nhân, trái lại Mỹ và Nga có tới 6.000".
Còn ông Phó Thông (Fu Cong), tổng giám đốc bộ phận kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bình luận trên Twitter rằng việc đặt cờ Trung Quốc tại bàn đàm phán mà không có sự đồng ý của Bắc Kinh là một "cảnh tượng kỳ quặc".
Theo báo Kommersant, phái đoàn của Nga tại Vienna đã phản đối đặt cờ Trung Quốc vì không có sự hiện diện của Bắc Kinh. Tuy nhiên, trước khi phái đoàn Nga đến, phía Mỹ đã đặt cờ Trung Quốc phía trước những chiếc ghế trống và chụp hình. Ở phía sau có thể thấy được cờ của Nga và Mỹ.
Báo South China Morning Post đầu tháng 6 bình luận kiểm soát vũ khí hạt nhân có thể sẽ trở thành một "chiến trường mới" trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán hạt nhân với Washington và Matxcơva. Theo Reuters, Mỹ tìm cách đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán để thay thế New START.
Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, là một trong 5 cường quốc hạt nhân trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của nước này vẫn còn là bí mật.
Theo một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu về xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Đại học Nagasaki (Nhật Bản), kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, con số này của Pháp là 290. Còn Nga có 6.370 và Mỹ có 5.800.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận