Tàu Type 056 Bảo Định số hiệu 511 biên chế năm 2016 được hoán cải thành tàu hải cảnh và các tàu Type 056 khác chuẩn bị hoán cải - Ảnh: Weibo, Naval News
Với lượng giãn nước trên 1.500 tấn và pháo hạm 76mm, Type 056 sau khi được hoán cải sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh của hải cảnh Trung Quốc - lực lượng mới đây đã ngăn cản tàu tiếp tế của Philippines và tham gia các hoạt động thúc đẩy chủ quyền vô lý mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Một công đôi lợi
Các hình ảnh được chụp gần đây tại một số xưởng đóng tàu hải quân Trung Quốc cho thấy hình ảnh mới lạ của hộ vệ hạm Type 056. Một số chiếc vẫn được sơn màu xám đặc trưng của PLAN, số khác đã khoác lên mình màu sơn trắng và phù hiệu của hải cảnh ở phần đầu tàu.
Cấu hình tiêu chuẩn của Type 056 trong hải quân gồm hải pháo H/PJ-26 76mm, 2 pháo tự động H/PJ-17 30mm, 4 tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không HQ-10 và 2 bệ phóng ngư lôi. Trên các tàu đang hoán cải, bệ phóng tên lửa và ngư lôi đã được tháo dỡ, chỉ giữ lại hải pháo cỡ nòng 76mm ở phía trước.
Cấu trúc thượng tầng được lắp thêm các bảng đèn LED dùng để hiển thị các thông điệp và thông báo mang tính cảnh báo trong lúc hoạt động. Tàu cũng được trang bị thêm thiết bị âm thanh LRAD và vòi rồng, thứ không thể thiếu trên các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ số lượng tàu Type 056 sẽ hoán cải nhưng dựa trên các hình ảnh, ít nhất 4 tàu đang được thay đổi kết cấu và màu sơn của hải cảnh.
Theo một diễn đàn về quân sự Trung Quốc, tổng cộng sẽ có 20 chiếc Type 056 của PLAN được hoán cải thành tàu hải cảnh. Số tàu này được chế tạo và biên chế vào năm 2012, tức chỉ mới hoạt động được khoảng 8 năm nhưng thiếu sonar chống ngầm khiến chúng trở thành những con tàu lỗi thời trong PLAN.
Trang Naval News nhận định việc hoán cải Type 056 từ tàu hải quân thành tàu hải cảnh là việc một công đôi lợi. Bởi điều này không chỉ tăng cường sức mạnh của hải cảnh Trung Quốc mà còn giúp giải phóng nguồn lực của PLAN trong bối cảnh lực lượng này đang muốn mở rộng ra Thái Bình Dương.
Theo các báo cáo của Lầu Năm Góc và Quốc hội Mỹ, trước đây các tàu hải quân thường được triển khai gần các tàu hải cảnh và dân quân biển nhằm đề phòng tình hình leo thang sẽ phản ứng.
Với việc chuyển Type 056 cho hải cảnh, PLAN sẽ "rảnh tay" để làm những việc khác, chẳng hạn tham gia các cuộc tập trận bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất (kéo dài từ cực nam Nhật Bản đến Philippines).
Tín hiệu đáng lo với các nước
Với hải pháo 76mm, Type 056 của hải cảnh là một trong số ít lớp tàu tuần duyên được trang bị súng có cỡ nòng lớn nhất tại Đông Nam Á.
Dưới quyền của hải cảnh, các tàu Type 056 thậm chí có quyền tự do hành động dưới mác dân sự và thực thi pháp luật trên biển, không bị bó buộc so với khi còn trong lực lượng hải quân. Điều này đặt ra không ít lo ngại với những nước có tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã thông qua luật hải cảnh mới từ tháng 1-2021 và tiếp đó là luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi vào tháng 9. Cả hai luật này là cơ sở pháp lý để hải cảnh Trung Quốc hành động, trong đó cho phép lực lượng này nổ súng vào các tàu nước khác nếu xác định chúng đe dọa an ninh, an toàn hàng hải Trung Quốc.
Xoay quanh hai luật này đã có rất nhiều bài phân tích của các chuyên gia về luật, trong đó chỉ ra sự bất hợp lý và mơ hồ về định nghĩa vùng biển áp dụng. Việc Trung Quốc tiếp tục hoán cải tàu hải quân thành tàu hải cảnh cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ tham vọng mà luôn từng bước tìm cách củng cố những yêu sách hàng hải vô lý, đặc biệt tại Biển Đông.
Khi một tàu Type 056 của PLAN nổ súng, đây sẽ là một vấn đề lớn và nhạy cảm. Nhưng nếu con tàu đó được chuyển sang hải cảnh, tính nghiêm trọng của vấn đề sẽ nhẹ đi và căng thẳng sẽ được giữ ở mức dưới ngưỡng xung đột mặc dù đạn và cỡ nòng súng là như nhau. Đó dường như là tính toán của Trung Quốc trong lúc đang đẩy mạnh việc cải tổ và hiện đại hóa PLAN lẫn hải cảnh.
72
Đó là số tàu Type 056
Trung Quốc đã hạ thủy và biên chế kể từ năm 2012, theo tạp chí quốc phòng Janes của Anh. Trong số này có 50 tàu phiên bản Type 056A có sonar và 22 chiếc Type 056 không sonar.
Mối quan hệ PLAN - hải cảnh
Viết trên tạp chí Asian Security số ra tháng 11-2021, ông Ryan D. Martinson - thành viên Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học hải chiến Mỹ - nhận định vào thời gian đầu PLAN và hải cảnh vẫn thường có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ nhau trên Biển Đông.
Chẳng hạn sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam, hải cảnh và PLAN đã tiến hành ít nhất 2 cuộc diễn tập lớn với mục đích bảo vệ giàn khoan. Tuy nhiên càng về sau, hải cảnh ngày càng phát triển mạnh hơn và ít phụ thuộc vào PLAN, đặc biệt tại Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận