Ông Kim Jong Un quan sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 hôm 15-9 ở khu vực gần Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS
Bàn về vấn đề Triều Tiên, có nhiều câu chuyện hậu trường công chúng ít biết đến.
Chẳng hạn, các học giả Mỹ tiết lộ rằng trong nhiều năm qua, người Trung Quốc luôn từ chối thảo luận về sự sụp đổ của Triều Tiên mỗi khi phía Mỹ nêu ra chủ đề này tại các sự kiện đối thoại "Track 2" (thuật ngữ ngoại giao: đối thoại thẳng thắn, không chính thức) giữa hai nước.
Từ góc nhìn của Trung Quốc, có 2 lý do khiến họ né tránh: (1) Không muốn đánh động Triều Tiên; (2) Sợ trao cho Mỹ lợi thế trong đàm phán nếu một ngày nào đó bán đảo Triều Tiên được thống nhất.
Theo hãng tin Bloomberg, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - người nhiều lần dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đối thoại, cho biết các đại biểu Trung Quốc thường rất lo lắng khi bàn về vấn đề này.
Khi chúng tôi nêu vấn đề, người Trung Quốc giải thích nếu họ tham gia thảo luận chủ đề đó với Mỹ, chắc chắn nó sẽ lọt ra ngoài, Triều Tiên sẽ biết và đáp trả"
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á thuộc Trung tâm CSIS
Kịch bản nghiêm túc
Nhưng dù Trung Quốc có né tránh đến đâu, trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên liên tục đe dọa hủy diệt nhau, Bình Nhưỡng thì cứ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, giới quan sát và cả các chính phủ bắt đầu vạch ra những kịch bản xấu nhất.
Tổng thống Donald Trump, hôm 26-9, đã tuyên bố trước truyền thông rằng Mỹ đã sẵn sàng dùng "sức mạnh quân sự hủy diệt" chống lại Triều Tiên, dù rằng đây không phải là phương án được ưu tiên.
Một số chuyên gia thậm chí cho rằng dù đó là một tính toán quân sự sai lầm, một cuộc đảo chính hay bất cứ sự kiện nào khác dẫn đến sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, thì cái ngày mà quân đội Trung Quốc và Mỹ đối mặt nhau sẽ không còn xa nữa.
"Nếu chúng ta can thiệp, rồi binh lính Mỹ và Trung Quốc giáp mặt nhau, chúng ta sẽ làm sao? Bắt tay với họ à? Cần phải nghiêm túc suy tính trước tất cả những thứ đó" - ông Bruce Bennett, nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc tổ chức học giả Rand Corp., đặt vấn đề.
Mỹ hiện có 28.500 binh sĩ đóng ở Hàn Quốc; lực lượng của Hàn Quốc là 625.000 quân chính quy và 3,1 triệu quân dự bị.
Quân đội Trung Quốc thì có khoảng 2 triệu binh sĩ, quân khu Hoa Bắc giáp Triều Tiên bao gồm ít nhất 3 đơn vị tên lửa.
Nếu Triều Tiên bắt đầu sụp đổ, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ điều quân để giành quyền kiểm soát kho vũ khí hủy diệt của Bình Nhưỡng, chuyên gia Bennett dự báo.
Bất lợi cho Mỹ nằm ở chỗ hầu hết các kho vũ khí này, bao gồm nhà máy hạt nhân Yongbyon, nằm gần Trung Quốc hơn Hàn Quốc.
Nhà máy hạt nhân Yongbyon trên bản đồ - Ảnh chụp màn hình/Bloomberg
Tháng trước, báo Washington Post đưa tin các quan chức tình báo Mỹ kết luận rằng Triều Tiên đã sở hữu năng lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa và họ có thể có đến 60 quả bom hạt nhân.
Sách trắng quốc phòng 2016 của Hàn Quốc ước tính Triều Tiên đã dự trữ khoảng 2.500 - 5.000 tấn vũ khí hóa học. Họ cũng sản xuất được những loại vũ khí sinh học nguy hiểm như vi khuẩn than và virus đậu mùa.
Vùng an toàn
Trong bài phân tích đăng trên trang web East Asia Forum ngày 11-9, ông Jia Qingguo, giám đốc Trường Nghiên cứu quốc tế (ĐH Bắc Kinh), nhận định quân đội Trung Quốc sẽ thành lập một "vùng an toàn" trên lãnh thổ Triều Tiên nhằm ngăn dòng người tị nạn nước này tràn vào các tình đông bắc Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ cân nhắc những tình huống có khả năng khiến quân đội Mỹ di chuyển lên phía bắc vĩ tuyến 38 phân chia bán đảo Triều Tiên, ví dụ như để kiểm soát kho vũ khí hạt nhân hoặc tái lập trật tự ở thủ đô Bình Nhưỡng, theo ông Jia.
Một câu hỏi khác đó là liệu Trung Quốc có cho phép cộng đồng quốc tế tham gia giám sát quá trình thành lập một chính phủ mới ở Triều Tiên hay không.
"Bắc kinh không có kế hoạch nào tốt, Mỹ cũng không có, và cả thế giới càng không có nốt. Nó đã vượt quá khả năng (của các bên) tìm kiếm một giải pháp chuẩn. Vậy nên, hãy hi vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều tệ nhất" - chuyên gia Jia nêu quan điểm thẳng thắn.
"Trung Quốc chắc chắn đã chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất, bao gồm nguy cơ người tị nạn và phát tán phóng xạ hạt nhân" - ông Su Hao, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung quốc, bình luận.
Nếu Trung Quốc đưa quân vào Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ không ngồi yên. Nhưng tương tự như Bắc Kinh, chính quyền Seoul cũng lo lắng trước khả năng dòng người tị nạn khổng lồ từ Triều Tiên đổ vào nước này, đặc biệt nếu chiến tranh dẫn đến nạn đói.
Một cuộc tuần hành chống Mỹ ở Bình Nhưỡng ngày 23-9 - Ảnh: AFP
Chưa đủ chín muồi
"Về mặt chiến lược, vẫn còn quá sớm để Trung Quốc bàn chuyện đó (Triều Tiên sụp đổ) với Hàn Quốc hoặc Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể trao đổi với Nga vì lợi ích của họ trên bán đảo Triều Tiên gần như nhau" - giáo sư Su nhận định.
Ngoài mặt, tất cả các cường quốc đều nói họ đồng ý với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng đồng ý về nguyên tắc "4 không": không thay đổi chế độ, không sụp đổ chế độ, không tái đẩy nhanh thống nhất và không triển khai quân ở phía bắc vĩ tuyến 38.
Nhưng thực tế là sự nghi ngờ luôn tồn tại giữa các nước. Những phát ngôn mới nhất của ông Trump trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể làm dấy lên suy đoán ở Trung Quốc rằng mục tiêu cuối cùng của Mỹ là thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng, theo chuyên gia Glaser thuộc CSIS.
"Chúng ta đừng quên rằng người Trung Quốc tin các cuộc cách mạng màu là nhằm lật đổ chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới. Vậy thì có lý do gì để Trung Quốc hợp tác với Mỹ và nói hết những kế hoạch dự phòng của họ?" - bà Glaser kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận