Ngày 24-4, Nhà Trắng cho biết sẵn sàng triển khai các khí tài hải quân Mỹ ở Biển Đỏ để hỗ trợ người dân di tản khỏi Sudan.
"Chúng tôi sẽ bố trí các khí tài hải quân ở Biển Đỏ ngoài khơi cảng Sudan phòng trường hợp cần giúp những người Mỹ muốn rời đi", người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói với đài MSNBC của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ nói chưa tiến hành di tản quy mô lớn.
Cuối tuần trước, khi tình hình tạm lắng, Mỹ đã lập tức di tản nhân viên đại sứ quán ở thủ đô Khartoum của Sudan bằng trực thăng quân sự, kéo theo các nước khác cũng vào cuộc.
Chiến dịch sơ tán người nước ngoài khỏi Sudan đang được đẩy nhanh. Mỹ và các quốc gia châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á đã triển khai các nhiệm vụ khẩn cấp để đưa nhân viên đại sứ quán và công dân ở Sudan đến nơi an toàn bằng đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Ngày 24-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận đã di tản nhóm công dân đầu tiên khỏi Sudan. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết khoảng 500 công dân nước này đã rời khỏi thủ đô Khartoum của Sudan. Còn Hàn Quốc thông báo đã di tản 28 công dân.
Cuộc giao tranh nổ ra ở Khartoum và khắp Sudan từ ngày 15-4 giữa các lực lượng trung thành với chỉ huy quân đội Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông Mohamed Hamdan Daglo, người chỉ huy nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Quân đội đã lật đổ cựu tổng thống Omar al-Bashir vào tháng 4-2019. Hai tướng al-Burhan và Daglo lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính năm 2021, nhưng sau đó trở mặt trong một cuộc tranh giành quyền lực gay gắt, gần đây nhất là kế hoạch sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.
Bạo lực đến nay đã làm hơn 427 người thiệt mạng và 3.700 người bị thương. Người dân ở Sudan đang chịu nhiều khó khăn từ thiếu nước, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu cho đến điện, mạng Internet, theo Liên Hiệp Quốc. Mỹ đã cảnh báo tình hình hiện tại có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo, và đã triển khai một số chuyên gia đến khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận