23/01/2019 12:00 GMT+7

Trung Quốc gồng mình giữ GDP

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Các chỉ số kinh tế đang gây khó cho Trung Quốc, và tình hình không có vẻ sáng sủa khi tranh chấp thương mại với Mỹ và phương Tây tiếp diễn.

Trung Quốc gồng mình giữ GDP - Ảnh 1.

Công nhân tại một công trường xây dựng trước cửa hàng Apple ở Bắc Kinh. Apple mới đây hạ dự báo doanh số tại Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong quá khứ, Trung Quốc từng là động lực phát triển kinh tế toàn cầu trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Nhưng nói như New York Times mới đây, lịch sử sẽ khó lặp lại.

Ngày càng phức tạp khi kinh doanh tại đây với việc bị buộc phải chuyển giao công nghệ, thiếu minh bạch, phân biệt đối xử (giữa các công ty châu Âu) với các công ty Trung Quốc hay hàng loạt nhánh hoạt động của công ty quốc doanh.

Bà Cecilia Malmstrom (ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu)

Gồng mình giữ GDP

Hôm 21-1, Trung Quốc công bố kinh tế quý cuối cùng năm 2018 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017. 

Nhưng xét tổng cộng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 đạt 6,6%, mức thấp nhất trong 28 năm qua, dù thậm chí giới quan sát nước ngoài vẫn khá hoài nghi về tính xác thực trong dữ liệu do chính phủ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cung cấp.

Dù thế nào đi nữa, bức tranh tổng thể nền kinh tế Trung Quốc cũng được phác thảo không quá tích cực: chi tiêu chính phủ đang được điều chỉnh để duy trì tốc độ tăng trưởng, giữa lúc các chỉ số khác đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phập phù.

Kinh tế Trung Quốc trở nên thiếu chắc chắn, hay ít nhất thị trường này nay kém màu mỡ hơn, được phản ánh một phần qua tình trạng trì trệ của các công ty nước ngoài tại đây. 

Hãng công nghệ Apple trong tháng này khiến thị trường chao đảo với việc hạ thấp kỳ vọng doanh số bán điện thoại iPhone ở Trung Quốc. 

Hãng xe Ford cắt giảm sản lượng 70% trong các công ty liên doanh tại Trùng Khánh hồi tháng 11 qua, với lý do xe đang tồn kho quá nhiều. 

Các công ty hóa chất đóng cửa nhà máy hàng loạt ở Giang Tô vì nhu cầu yếu và những ràng buộc khắt khe về môi trường.

Tình hình doanh số như trên kéo theo thực tế rằng người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thắt lưng buộc bụng trong hoàn cảnh hiện nay, và cũng là một trong những nguyên nhân ngân hàng nhà nước Trung Quốc lên kế hoạch bơm 174 tỉ USD vào nền kinh tế để cứu vãn tình hình.

Nhưng trong khi chi tiêu chính phủ là động lực chính giữa bối cảnh khó khăn, tình trạng này lại dẫn tới khó khăn cho các ngân hàng tư nhân. 

Vì vậy, chính quyền Trung Quốc phải chấp nhận hạ thấp tốc độ phát triển kinh tế bằng cách siết chặt tình trạng nợ của các ngân hàng. Từ giữa năm 2017, chính phủ đã tiến hành thúc đẩy kiểm soát và dọn sạch một núi nợ.

Nhà kinh tế học Xiang Songzuo (Hướng Tùng Lộ) cho biết Trung Quốc đã xây dựng một nền kinh tế dựa vào tín dụng và đầu cơ, nên kêu gọi quốc gia này chấm dứt nỗi ám ảnh về việc phải duy trì tăng trưởng ở mức cao.

2,9%

Ngân hàng Thế giới (World

Bank) công bố dự báo kinh tế mang tên

"Darkening Skies" (Mảng trời u ám), trong đó hạ thấp mức dự đoán kinh tế toàn cầu năm 2019 còn 2,9% so với 3% trước đó. Lý do chính nằm ở tương lai bất ổn trong thương mại Mỹ - Trung.

Khó khăn vì tranh chấp thương mại

Trong lúc các quan chức Trung Quốc nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ, số liệu và những dự báo kinh tế đang không ủng hộ Bắc Kinh. Báo chí phương Tây vài ngày nay liên hệ những khó khăn trong kinh tế Trung Quốc với cuộc "chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung.

Hôm 21-1, giám đốc Tổng cục Thống kê Trung Quốc Ning Jizhe (Ninh Cát Triết) thừa nhận tranh chấp thương mại với Mỹ ảnh hưởng tới kinh tế nội địa, nhưng khẳng định tác động ấy có thể được quản lý tốt, nhất là khi nhu cầu trong nước vẫn là động lực chính giúp duy trì tình trạng phát triển trong hai tháng cuối.

Tuy vậy, có thể thấy trong lúc Trung Quốc và Mỹ còn căng thẳng, hoạt động nhập khẩu tăng cũng có đóng góp lớn từ tâm lý người mua. Họ dốc túi mua thêm vì sợ giá hàng nhập khẩu Mỹ sẽ còn tăng nữa. 

Nhưng về dài hạn, điều này "sẽ dẫn tới việc khách hàng hạn chế mua đồ giá cao và tiến hành tiết kiệm hơn cho y tế, giáo dục cũng như nhà ở" - báo Los Angeles Times dẫn lời Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS).

Không riêng gì Mỹ, hiện nay Trung Quốc cũng chứng kiến thái độ rụt rè từ nhà đầu tư châu Âu vì tình trạng kinh doanh lẫn tranh chấp về bản quyền. 

Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom khẳng định đầu tư của châu Âu tại Trung Quốc đang giảm, việc kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng phức tạp do điều kiện kinh doanh, chính sách thiếu công bằng của Bắc Kinh.

Vấn đề bảo hộ và quy định buộc chuyển giao công nghệ cũng là mối quan tâm lớn của Mỹ trên bàn đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc lâu nay. 

Phương Tây đã nhìn thấy các công ty Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ bằng cách "đứng trên vai người khổng lồ" như thế nào trong hơn ba thập kỷ qua. 

Và giờ là lúc Bắc Kinh đối diện với nguy cơ phải cạnh tranh sòng phẳng khi luật chơi được viết lại.

Trung Quốc đang nợ hơn cả Mỹ và Nhật

TTO - Trung Quốc đã phải trả một cái giá nhất định cho thành công kinh tế của thập niên trước, tuy nhiên giờ đã đến lúc các yếu điểm bắt đầu bộc lộ. Phân tích của Đài ABC của Úc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp