Các nhà khoa học Trung Quốc nói khỉ gần với người để làm thí nghiệm nhưng đủ xa để không phải lo lắng về đạo đức - Ảnh: AFP
Gen MCPH1 ở người được cấy vào 11 chú khỉ Macaca mulatta. Các nhà khoa học tin rằng gen này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển não bộ.
Những con khỉ thí nghiệm phải làm một bài kiểm tra về ghi nhớ màu sắc và hình dáng đồ vật, đồng thời được chụp cộng hưởng từ (MRI).
Họ phát hiện những con khỉ thí nghiệm có trí nhớ ngắn hạn tốt hơn và thời gian phản ứng nhanh hơn so với khỉ hoang dã.
Tuy nhiên, não của những con khỉ này không phát triển lớn hơn như kỳ vọng.
Thử nghiệm mới nhất của Trung Quốc làm dấy lên các cuộc tranh luận về y đức, và khiến dư luận so sánh với bộ phim Hành tinh khỉ của Hollywood.
Các tác giả nghiên cứu cho biết những con khỉ thí nghiệm gần với con người về mặt di truyền hơn loài gặm nhấm, nhưng đủ xa để không phải lo ngại vấn đề đạo đức.
Thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Viện động vật Côn Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phối hợp với Đại học North Carolina, được công bố vào tháng trước trên tạp chí National Science Review tại Bắc Kinh.
"Thí nghiệm của chúng tôi đã chứng minh rằng loài linh trưởng (không bao gồm vượn) có tiềm năng mang giúp chúng ta trả lời những câu hỏi về quá trình tiến hóa trí thông minh ở người", các tác giả nghiên cứu cho biết.
Chỉ năm trong số 11 con khỉ sống sót sau thí nghiệm.
Vào tháng 1, các nhà khoa học Trung Quốc đã giới thiệu năm con khỉ nhân bản từ một con khỉ biến đổi gen bị rối loạn giấc ngủ. Đồng loạt cả năm con đều có dấu hiệu của chứng bệnh tâm thần như trầm cảm, lo lắng và các hành vi liên quan đến tâm thần phân liệt.
Xa hơn, vào năm ngoái, nhà nghiên cứu Trung Quốc He Jiankui gây sốc cho toàn thế giới sau khi tiết lộ ông đã cho ra đời hai bé gái sinh đôi chỉnh sửa gen.
Lý do chung của các nhà nghiên cứu là để tìm hiểu sâu hơn và giải quyết các vấn đề mà con người gặp phải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận