29/09/2012 08:17 GMT+7

Trung Quốc đưa tàu hải quân đến Điếu Ngư/Senkaku

TRẦN PHƯƠNG - MỸ LOAN
TRẦN PHƯƠNG - MỸ LOAN

TT - Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận tàu hải quân của mình đã bắt đầu tuần tra và huấn luyện quân sự tại khu vực quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) lúc căng thẳng Trung - Nhật đang dâng cao.

yEHJJSoI.jpgPhóng to
Người biểu tình hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo ngày 28-9 - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, ngày 28-9 người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết trong những ngày qua nhiều tàu hải quân của Trung Quốc đã tuần tra, tập trận đổ bộ, chiếm đảo và bãi cạn trong vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ông Dương lớn tiếng khẳng định hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc ở quần đảo này là “phù hợp với luật pháp quốc tế” bởi “Trung Quốc có chủ quyền từ thời cổ đại”.

Trung - Nhật khẩu chiến, Mỹ can ngăn!

Phản bác lại tuyên bố của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda một ngày trước trên diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27-9 Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cáo buộc Nhật là đã “đánh cắp” quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ông Dương Khiết Trì “yêu cầu Nhật Bản ngừng ngay tất cả các hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, có các hành động cụ thể để khắc phục sai lầm và quay lại giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng”. Ông cho rằng Nhật Bản đã lừa dối Trung Quốc để ký một hiệp ước nhượng lại quần đảo này vào năm 1895.

Ngay sau đó, phó đại sứ Nhật tại Liên Hiệp Quốc Kazuo Kodama đưa ra các bằng chứng lịch sử và luật quốc tế khẳng định chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và nhấn mạnh Trung Quốc không hề phản đối vấn đề chủ quyền trước những năm 1970 sau khi Tokyo quản lý quần đảo này trong gần 100 năm.

Gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Bắc Kinh và Tokyo giữ “cái đầu lạnh” trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. “Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc và Nhật đàm phán. Chúng tôi tin rằng hai nước có sự kiềm chế, có khả năng để làm việc trực tiếp và xoa dịu căng thẳng” - Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết. Mỹ khẳng định không tham gia tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc, song nhấn mạnh sẽ bảo vệ hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật trong trường hợp xảy ra tấn công quân sự.

Theo báo Asahi, ngày 28-9 một phong bì có tên thủ tướng Nhật trong đó có một viên đạn đã được gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật. Văn phòng Thủ tướng Noda khẳng định bức thư là mạo danh.

Nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami mới đây cũng cảnh báo nguy cơ từ chủ nghĩa dân tộc cực đoan giống như một thứ rượu rẻ tiền mà các chính trị gia đang rót cho dư luận. “Nó khiến bạn kích động, nói năng lớn tiếng, thô lỗ... nhưng sau đó chẳng được gì ngoài cơn đau đầu” - ông Murakami so sánh.

Bất chấp căng thẳng giữa hai nước, ngày 28-9 Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) đã giải cứu 12 thủy thủ Trung Quốc đang bị kẹt trên một chiếc tàu bị bốc cháy ở vùng biển thuộc vịnh Osaka. Tàu chở hàng tải trọng 1.999 tấn, đăng ký quốc tịch Panama, gặp nạn khi đang chở gần 1.000 tấn kim loại phế liệu về Trung Quốc.

Thêm hải đồ tự vẽ của Trung Quốc!

Cũng trong ngày 28-9, như Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã đệ trình bản đồ hàng hải lên Ủy ban đường ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trang web Liên Hiệp Quốc cho biết Trung Quốc đã nộp “hải đồ” này từ ngày 24-9, trong đó Bắc Kinh tự vẽ hai đường cơ sở từ những điểm trên biển Hoa Đông để gộp vào phần chủ quyền lãnh thổ của mình bao gồm toàn bộ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Nhật Bản đã phản đối kịch liệt khi khẳng định bản đồ này chứa đựng những thông tin phi lý, bịa đặt xuất phát từ thói quen “tự vẽ hải đồ rồi gộp vào chủ quyền của mình” như Trung Quốc vẫn từng làm.

TRẦN PHƯƠNG - MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp