21/11/2023 16:13 GMT+7

Trung Quốc đồng ý bán điện cho Việt Nam theo hướng Lào Cai, chưa xác nhận bán qua Hà Giang

Việc cấp điện trong hai tháng cuối năm 2023 cơ bản đảm bảo ngay cả trong tình huống cực đoan khi công suất dự phòng ở mức cao, theo dự báo của A0.

Vận hành hệ thống điện trong 2 tháng cuối năm cơ bản đáp ứng - Ảnh: EVNHANOI

Vận hành hệ thống điện trong 2 tháng cuối năm cơ bản đáp ứng - Ảnh: EVNHANOI

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo phương thức vận hành tháng 11 và các tháng còn lại của năm 2023.

Trên cơ sở điện sản xuất và nhập khẩu tháng 10 đạt gần 24 tỉ kWh, A0 đã tính toán hai kịch bản về nhu cầu sử dụng điện (phụ tải) vào hai tháng cuối năm.

Mua điện của Trung Quốc

Theo đó, kịch bản 1 dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tháng 11 trung bình mỗi ngày là 763,5 triệu kWh/ngày, tăng 7,09%. Tính cả năm sản lượng điện là gần 281,1 tỉ kWh, tăng 4,75%.

Kịch bản 2, dự kiến tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu tháng 11 là 781,8 triệu kWh/ngày; cả năm sản lượng điện là 281,7 tỉ kWh, tăng 4,96%.

A0 cũng đưa ra dự báo về tình hình thủy văn trong 2 tháng cuối năm, việc đảm bảo cung cấp khí, than cho điện để vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, điện khí.

Về nhập khẩu điện, A0 cho hay khả năng mua điện Trung Quốc trong các tháng cuối năm cập nhật theo đàm phán mới nhất từ Công ty Mua bán điện (EPTC).

Theo đó, phía Trung Quốc đồng ý bán điện cho Việt Nam theo hướng Lào Cai với tổng sản lượng tháng 11, 12-2023 lần lượt là 90 và 93 triệu kWh (khoảng 3 triệu kWh/ngày) và chưa có kế hoạch xác nhận bán điện theo hướng Hà Giang trong năm 2023. Phía 110 kV tạm thời không mua do chưa đàm phán hợp đồng.

Trước đó, Bộ Công Thương cho hay lượng điện nhập khẩu từ Lào khoảng 7 triệu kWh một ngày và Trung Quốc là 4 triệu kWh/ngày. So với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc 445-450 triệu kWh một ngày thì "tỉ trọng điện nhập khẩu này rất thấp". 

EVN mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV Thâm Câu - Móng Cái vào tháng 5, 6 và 7 với công suất 70 MW. Giá mua điện từ Trung Quốc khoảng 6,5 cent tức gần 1.540 đồng một kWh; còn Lào là 6,9 cent một kWh, tương đương 1.632 đồng một kWh.

Việc nhập khẩu điện còn dự kiến mua từ các cụm Xekaman 1, 3, Sanxay, Nậm San 3A, 3B, Nậm Tai và Nậm Kong 2, 3. Tổng sản lượng dự kiến mua tháng 11 là 272 triệu kWh, đưa tổng sản lượng điện nhập khẩu trong hai tháng cuối năm dự kiến là 387 triệu kWh.

Tổng sản lượng điện mặt trời trang trại và điện gió được huy động đến hết năm 2023 dự kiến là 14,97 tỉ kWh và 11,4 tỉ kWh. Nguồn điện mặt trời mái nhà được huy động trong tháng 11 tương đương gần 956 triệu kWh.

Đánh giá về khả năng đảm bảo cân đối nguồn điện, A0 cho hay hệ thống điện miền Bắc dự kiến đáp ứng đủ công suất dự phòng ở giai đoạn tháng 11 và 12.

Phụ tải tăng trưởng cực đoan vẫn không lo thiếu?

Kể cả trong trường hợp phụ tải miền Bắc tăng trưởng cao và xét đến rủi ro như phụ tải tăng trưởng cực đoan là 15%; sự cố thêm với các tổ máy ở mức công suất tương đương 700 MW, công suất khả dụng ở miền Bắc sẽ dao động ở mức gần 24.000 - 25.213 MW. Như vậy công suất dự phòng đạt từ 1.794 - 2.597 MW.

Với hệ thống điện miền Nam, có xét tới các yếu tố suy giảm công suất thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, năng lượng tái tạo… công suất khả dụng sẽ dao động trên 22.401-22.956 MW. Như vậy, hệ thống điện miền Nam cũng cơ bản đáp ứng đủ công suất dự phòng, ngay cả trường hợp phụ tải tăng trưởng cực đoan với 12%.

Tuy nhiên, A0 lo ngại rằng trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, nên để đảm bảo an toàn - ổn định hệ thống điện miền Nam, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt…

Như vậy, đánh giá chung về hệ thống điện quốc gia, A0 cho rằng cơ bản đáp ứng đủ trong hai tháng cuối năm, ngay cả trong trường hợp phụ tải miền Bắc tăng trưởng cực đoan, sự cố xếp chồng tại các tổ máy nhiệt điện than khiến tổng công suất suy giảm khoảng 1.900 MW; cao điểm phụ tải hệ thống điện vào buổi tối.

Theo đó, công suất khả dụng của hệ thống trong hai tháng cuối năm tương đương gần 46.500 MW và 48.915 MW, nên công suất dự phòng của hệ thống có thể đạt tới gần 4.500 MW/tháng.

Trên cơ sở đánh giá an ninh hệ thống điện, A0 kiến nghị vận hành linh hoạt hồ chứa theo lưu lượng nước về, đảm bảo tích nước cuối năm 2023, giảm lưu lượng cấp nước hạ du. Các nhà máy nhiệt điện bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị của nhà máy đảm bảo khả dụng vận hành, cung cấp than liên tục ổn định, tuyệt đối không để tình trạng thiếu than.

Tăng cường kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục khuyết điểm để nâng cao độ tin cậy vận hành; đảm bảo vận hành các nhà máy điện, đẩy mạnh xây dựng dự án nguồn và lưới điện…

Mưa liên tục, nhiều thủy điện xả tràn, cung ứng điện sẽ thế nào?Mưa liên tục, nhiều thủy điện xả tràn, cung ứng điện sẽ thế nào?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng 8-2023 và các tháng cuối năm, theo đề xuất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khi nhiều thủy điện đang xả tràn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp