Rác thải nhựa trên toàn cầu hiện được xử lý chủ yếu bằng cách đốt hoặc xả ra bãi phế liệu - Ảnh: REUTERS
Rác thải nhựa chính thức trở thành mối lo toàn cầu kể từ khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu nhựa tái chế. Loại chất liệu này vốn được sử dụng để sản xuất quần áo và nhiều vật liệu khác.
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc nhập khẩu 7 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2017. Thế nhưng cuối năm đó, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm đối với loại hàng hóa này vì ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng.
Xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đối với rác thải nhựa giảm từ 1,1 triệu tấn năm 2014 xuống còn 40.000 tấn năm 2018. Tương tự, xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc giảm từ 950.000 tấn xuống còn 50.000 tấn.
Sau Trung Quốc, Đông Nam Á nhanh chóng trở thành điểm đến mới. Tuy nhiên, khu vực này không thể hoàn toàn thay thế Trung Quốc.
Tình hình trở nên khó khăn hơn với các nước phát triển khi Đông Nam Á nối bước Trung Quốc, cấm nhập khẩu rác thải nhựa. Trong đó, Philippines và Malaysia đã tuyên bố kế hoạch trả lại những chuyến hàng cũ.
Biểu đồ thể hiện lượng nhập khẩu rác nhựa của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong giai đoạn 2015-2018 - Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW
Bị đẩy vào tính thế phải tự xoay xở, chính phủ và doanh nghiệp các nước phát triển đang tìm mọi cách để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu quý giá.
Hồi tháng 6, G20 đã thống nhất chấm dứt tình trạng ô nhiễm biển vì rác thải nhựa vào năm 2050.
Nikkei cho biết hiện khoảng 60% rác nhựa của Nhật được đốt để phục vụ nhiệt điện. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng cách làm này sẽ phương hại đến môi trường.
"Khuyến khích tái chế nhiệt có thể ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu", ông Hideshige Takada, giáo sư tại ĐH Tokyo về Nông nghiệp và kỹ thuật, cảnh báo.
Trong khi đó, châu Âu đang đốt khoảng 40% lượng rác nhựa của mình và chuyển 30% ra các bãi phế liệu. Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu cấm sản xuất đồ nhựa dùng một lần từ tháng 3 năm nay.
Không chỉ các chính phủ, các doanh nghiệp hóa chất trên toàn cầu cũng bắt đầu hành động. Khoảng 500 đại diện trong ngành đã họp mặt tại Tokyo hồi tháng 7, thành lập Liên minh Chấm dứt rác thải nhựa (AEPW). Liên minh này bỏ ra 1,5 tỉ USD để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Giới chuyên gia cho rằng không thể chối cãi về tiện ích mà nhựa đem lại cho cuộc sống hiện đại. Dù vậy, thế giới cần tìm ra biện pháp để biến loại rác thải này trở thành nguyên liệu quý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận