Xe buýt không người lái vận chuyển hàng hóa trong khu phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - Ảnh: SOHU
Tờ Đệ Nhất Tài Kinh cho rằng Nam Kinh đã chậm trễ trong ngăn chặn dịch. Ngày 26-7, tức một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm Delta đầu tiên ở sân bay Lộc Khẩu, thành phố này mới quyết định dừng hoạt động sân bay, nơi có mật độ hành khách lưu thông cao.
Trong khi đó Quảng Châu, Thâm Quyến - hai thành phố đầu tiên ghi nhận ca nhiễm Delta ở Trung Quốc - đã xử lý tốt hơn nhiều.
Khoanh vùng truy vết thần tốc
Phát biểu trên Đài CCTV hôm 25-6, ông Chung Nam Sơn - viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, tổ trưởng nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và sức khỏe quốc gia Trung Quốc - cho rằng giải pháp chống dịch lúc này vẫn là khoanh vùng, truy vết nhưng phải thần tốc.
Ngày 21-5, khi phát hiện ca nhiễm Delta đầu tiên ở tỉnh Quảng Đông, cơ quan y tế tỉnh, quận, thành phố trực thuộc đều được báo tin, chiều cùng ngày đã khoanh vùng nguồn lây.
Nhờ sử dụng công nghệ, công tác điều tra dịch tễ hoàn thành chỉ sau 4 giờ phát hiện ca bệnh. Thông qua tính năng định vị của thiết bị di động, camera giám sát ở các điểm công cộng, cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra những người nguy cơ cao. Sau đó kết quả giải mã gene 150 ca bệnh cho thấy họ có cùng nguồn lây.
Bên cạnh đó Quảng Đông mở rộng nhóm người tiếp xúc trực tiếp (F1). Trước đây, người nhà bệnh nhân COVID-19, người cùng ăn, cùng họp trong phạm vi 1m, cùng làm việc chung với bệnh nhân hai ngày trước đó được xem là F1.
Hiện tại, ngoài người nhà, tất cả những người ở cùng không gian, đơn vị, tòa nhà với bệnh nhân 4 ngày trước đều bị xem là F1. Khi mã sức khỏe QR chuyển sang màu vàng, F1 được yêu cầu xét nghiệm PCR (xét nghiệm axit nucleic) trong vòng 24 giờ, tùy mức độ tiếp xúc phải xét nghiệm 2 lần/3 ngày hay 3 lần/tuần.
Để ngăn dịch lan ra các tỉnh thành, ngày 2-6 Quảng Châu và Phật Sơn yêu cầu người rời khỏi hai thành phố này phải có mã sức khỏe màu xanh, giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Đến ngày 7-6, hai địa phương này yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 48 giờ, theo đó đã kịp thời ngăn dịch lan ra các tỉnh thành xung quanh.
Phong tỏa, xét nghiệm diện rộng
Quảng Châu căn cứ tình hình dịch chia ra 12 khu vực nguy cơ cao và 16 khu vực nguy cơ vừa. Sau đó căn cứ mức độ rủi ro để chọn áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn nhằm khống chế chính xác chuỗi lây nhiễm. Các khu phố đều có tổ phòng chống dịch 3 người, gồm cán bộ khu phố, công an và nhân viên y tế. Đây là lực lượng chính đến tận nhà rà soát, tìm người nguy cơ cao.
Xét nghiệm diện rộng là biện pháp không thể thiếu nhưng phải làm nhanh nhất có thể. Quảng Châu với hơn 18,6 triệu dân, từ ngày 4 đến 6-6 đã xét nghiệm cho toàn dân với 18.696.700 mẫu.
Đợt dịch kéo dài 26 ngày, tùy tình hình, nhiều khu vực đã triển khai từ 6 - 10 đợt xét nghiệm PCR. Xe xét nghiệm lưu động được đưa đến quận Lệ Loan, nơi dịch bệnh phức tạp nhất. Nhờ đẩy nhanh xét nghiệm, Quảng Châu chủ động phát hiện 53/167 ca, chiếm 31,7%.
Trong một tháng, tỉnh Quảng Đông làm hơn 200 triệu mẫu xét nghiệm. Riêng ngày 22-6 xét nghiệm được 18 triệu mẫu, lập kỷ lục xét nghiệm trong ngày ở Trung Quốc.
Còn ở Thâm Quyến, chính quyền tập trung mọi nguồn lực để xét nghiệm thần tốc, huy động hơn 80.000 nhân viên y tế, hơn 50.000 cán bộ khu phố, hơn 10.000 cảnh sát, 240.000 tình nguyện viên để hoàn thành xét nghiệm 3 lần cho gần 21 triệu dân.
Theo Đài truyền hình Thâm Quyến, chỉ trong 16 ngày Thâm Quyến đã khống chế thành công dịch COVID-19 do biến thể Alpha, và chỉ mất một tuần để khống chế biến thể Delta.
Trong khu vực phong tỏa, để tránh tiếp xúc, Quảng Châu dùng taxi, xe buýt không người lái vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, máy bay không người lái để tuyên truyền phòng dịch. Các điểm theo dõi cách ly tập trung, cách ly tại nhà được quản lý bằng hệ thống chuông báo. Người bị cách ly theo dõi phải dán miếng đo thân nhiệt 24/24, theo Phước Kiến Nhật Báo.
Khi dịch phức tạp, Quảng Châu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, triển khai đăng ký tiêm chủng qua các kênh như website, mạng xã hội WeChat, điện thoại và đăng ký tập thể. Trong đó, ưu tiên người tiêm mũi thứ hai để tăng khả năng phòng bệnh. Thực tế, trước sự nguy hiểm của biến thể Delta, người dân Quảng Châu cũng tự giác đi tiêm nên mới có cảnh hàng dài người xếp hàng chờ tiêm hồi tháng 6 vừa qua.
Biến thể Delta nguy hiểm nhưng trong đợt dịch ở Quảng Châu, 153 ca COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Nhân dân số 8 đều đã bình phục, xuất viện. Theo bác sĩ Đặng Tây Long - trưởng khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện đã tách biệt các khu chữa trị cho từng nhóm bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo.
Họ cũng tập trung điều trị cho người cao tuổi, người bệnh nặng, bệnh nhi, tập hợp nhân lực nhiều chuyên khoa, hội chẩn 4 cấp để cùng đưa ra phác đồ điều trị. Ngoài ra, bệnh viện còn kiên trì kết hợp đông tây y để điều trị COVID-19.
Phép thử với vắc xin?
Sự xuất hiện biến thể Delta ở Quảng Châu được xem như phép thử với hiệu quả vắc xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển.
Đài CCTV dẫn số liệu của tỉnh Quảng Đông cho biết sau khi tiêm đủ 2 liều, hiệu quả phòng COVID-19 cho F1 là 60%, bảo vệ F0 chuyển nặng hay nguy kịch là 80%, và không có ca tử vong.
Theo ông Chung Nam Sơn, hiệu quả của vắc xin Trung Quốc là 70%, do đó 80% người dân tiêm chủng đủ liều mới có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận